Xã hộiBiển đảo Việt Nam

"Thiên nga trắng” vượt đại dương

15:04 - Thứ Tư, 21/08/2019 Lượt xem: 4658 In bài viết
Thân được sơn màu trắng và những cánh buồm mang màu trắng của loại vải đặc biệt, không thấm nước, có độ bền cao, Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn khi đã căng buồm trông tựa như chú “thiên nga trắng” bập bềnh giữa xanh ngắt trùng dương…

Tàu hơn 850 tấn chạy bằng...sức gió

Hiện nay, trong biên chế của Hải quân nhân dân Việt Nam đã có một chủng loại tàu mới. Ðó là con tàu có phiên hiệu 286 và vinh dự được mang tên nhà bác học Lê Quý Ðôn, với tên gọi đầy đủ “Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn”. Ðược trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, có khả năng huấn luyện cho thủy thủ đoàn thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, hiện nay tàu đang được Học viện Hải quân quản lý và khai thác.

 

Tàu buồm 286/Lê Qúy Ðôn hoạt động trên biển. Ảnh tư liệu.

Nếu như với các loại tàu khác, để có thể cơ động trên biển, chinh phục những hải trình dài, đòi hỏi kíp tàu phải khởi động động cơ để quay chân vịt, giúp tàu chuyển động, đi theo hành trình dự kiến.

Nhưng với Tàu buồm 286/Lê Qúy Ðôn thì khác, ngoài việc sử dụng động cơ để cơ động, tàu còn có thể di chuyển dựa vào những cánh buồm. Tất nhiên, việc sử dụng buồm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như hướng gió, tốc độ gió, cũng như trình độ khai thác buồm của thủy thủ đoàn…

Ðề cập đến việc tác nghiệp buồm, Ðại úy Cao Xuân Long, Thuyền trưởng Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn cho biết: “Ðể có thể khai thác buồm, trước hết thủy thủ phải chịu được độ cao khi leo cột buồm, nhất là trong điều kiện tàu bị chao lắc mạnh; tiếp đó là thuần thục kỹ năng thả buồm, điều chỉnh buồm, thu buồm, bảo quản buồm…”.

Sở dĩ nói thủy thủ tàu buồm phải có khả năng chịu được độ cao, bởi 3 cột buồm của con tàu đều cao tới 41,5m. Ðặc biệt, khi cơ động trong điều kiện sóng to, gió lớn, phần đỉnh cột buồm sẽ dao động rất lớn.

Trung úy QNCN Ðỗ Văn Quyền, Trưởng ngành tổng hợp của Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn  cho biết: Những ngày đầu huấn luyện leo cột buồm, có người trèo từ cột xuống boong rồi vẫn say độ cao. Có người say ngay trên cột, nôn thốc nôn tháo, khiến “sản phẩm” suýt rơi…trúng chuyên gia của bạn.

Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn, được thiết kế và đóng tại Ba Lan, có lượng giãn nước 857 tấn, với 21 lá buồm, gồm 10 buồm vuông, 9 buồm tam giác và 2 buồm đặc biệt (hay còn gọi là buồm lái). Tổng diện tích buồm là 1.400m2.

Khi gió không đủ điều kiện để thả buồm, tàu chạy bằng động cơ, và lúc này buồm được gấp gọn, bó chặt trên các cành buồm. Khi nhận định có đủ điều kiện để chạy buồm, các thủy thủ phải leo thang dây mạng nhện tiếp cận các cành buồm để thả buồm; và công việc tiếp theo là kéo dây căng buồm. Tùy vào hướng gió, tốc độ gió mà lá buồm được thả với số lượng hợp lý, bảo đảm cho tàu chạy với vận tốc đúng ý định của kíp lái tàu.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng chuyện tác nghiệp buồm rất công phu, và có thể nói là một nghệ thuật trong vận hành tàu buồm. Buồm thường được sử dụng khi gió lớn hơn cấp 3 và góc đón gió của tàu lớn hơn 60 độ. Tàu có thể chạy bằng buồm với vận tốc 14 hải lý/giờ, ở độ nghiêng không quá 30%.

Khi độ nghiêng lớn hơn sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của thủy thủ thì chỉ huy tàu sẽ ra lệnh thu buồm với số lượng cánh nhất định hoặc thu toàn bộ buồm. Một trong những khó khăn lớn nhất phát sinh khi chạy bằng buồm là hướng gió thay đổi. Mỗi lần như vậy, kíp tàu lại phải điều chỉnh hướng buồm.

“Có những hôm, một bữa cơm của anh em thủy thủ gián đoạn 3 lần vì phải cơ động lên boong để hiệu chỉnh buồm do hướng gió liên tục thay đổi”, Thuyền trưởng Cao Xuân Long nhớ lại.

Khi tàu cơ động bằng buồm đòi hỏi kết hợp nhuần nhuyễn giữa điều khiển cánh buồm và đè góc lái sao cho tàu đi đúng hướng. Chia sẻ về “nghệ thuật” tạo hướng đi cho tàu khi chạy bằng buồm, Ðại úy Nguyễn Trọng Hiếu, Phó thuyền trưởng Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn cho biết: Nếu chạy bằng máy để điều khiển tàu đi từ điểm A đến B là một việc làm đơn giản và có thể đi đường thẳng thì chạy bằng buồm sẽ phải đi dích dắc từ A qua C sang D rồi mới đến B…

Hải trình nối liền… 2 năm

Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn được tổ chức lễ thượng cờ và đưa vào biên chế của Học viện Hải quân từ ngày 10-3-2016. Tuy nhiên trước đó, thủy thủ đoàn của tàu buồm đã trải qua quá trình huấn luyện khắt khe, nghiêm túc trong nước và tại Ba Lan để có đủ trình độ, khả năng tiếp nhận và khai thác tàu buồm.

 

Ðại úy Cao Xuân Long (bên phải), Thuyền trưởng Tàu buồm 286/Lê Qúy Ðôn và kíp tàu tác nghiệp tại cabin.

Thực hiện chuyến đi từ Ba Lan về đến cảng Nha Trang, Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn và kíp thủy thủ cùng các chuyên gia nước bạn đã trải qua hải trình rất dài trên biển. Theo kế hoạch ban đầu, tàu chỉ hành trình một tháng, từ Ba Lan theo Ðại Tây Dương qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) vào Ấn Ðộ Dương và về Nha Trang.

Tuy nhiên, khi đến vùng biển Tây Ban Nha, tàu gặp bão lớn phải quay lại đảo Lacoruna. Tại đây, một kế hoạch mới được vạch ra nhằm bảo đảm an toàn hơn cho chuyến đi: Tàu sẽ qua kênh đào Panama, tiến vào Thái Bình Dương để về Việt Nam; đồng nghĩa với việc tàu sẽ phải trải qua một hải trình rất dài.

Tàu đã qua nhiều đảo như Tahiti, Fakarava (Pháp), Majuro, Bikini (quần đảo Marshall), Las palmas, Lacoruna (Tây Ban Nha)…Ðể về đến vùng biển Nha Trang, “Thiên nga trắng” đã băng qua Ðại Tây Dương và Thái Bình Dương, với tổng thời gian hành trình là 122 ngày,  vượt qua 18.140 hải lý.

Chia sẻ về hành trình đặc biệt, kéo dài từ tháng 9-2015 đến tháng 1-2016, Ðại úy Cao Xuân Long cho biết: Trong chuyến đi này, kíp tàu vận hành phương tiện hoàn toàn mới, đi trên vùng biển quốc tế rộng lớn và mới mẻ, trong đó có những khu vực có khí hậu phức tạp, có những nơi cướp biển hoạt động mạnh. Thêm nữa, vì đi trên biển xa, việc liên lạc với gia đình, người thân thường xuyên bị “ngắt” trong thời gian rất dài, có lúc tới 20 ngày…

Cũng vì hoạt động trên biển xa, nên không ít giai đoạn tàu “cô đơn” giữa mênh mông trời biển. “Có khi 2 tuần liên tục chúng tôi không nhìn thấy bất cứ một con tàu nào trong tầm mắt”, Ðại úy Cao Xuân Long tâm sự.

Gian nan đấy, nhưng thông qua chuyến đi “để đời” này, kíp Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý như cách xử lý các tình huống khi gặp thời tiết xấu; tránh va; đặc biệt là cách sử dụng buồm. Trên hải trình hơn 18 nghìn hải lý, “Thiên nga trắng” được thả neo ở vùng biển của một số nước, vì thế mà kíp thủy thủ cũng có điều kiện tiếp cận, trải nghiệm và hiểu thêm nét văn hóa của nhiều quốc gia.

Kể từ khi đưa vào biên chế của Học viện Hải quân, Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn được sử dụng phục vụ huấn luyện thực hành đường dài trên biển cho học viên đào tạo sĩ quan năm cuối, kết hợp thăm, giao lưu với hải quân các nước.

Nhằm đáp ứng nhiệm vụ đối ngoại, nên ngoài tố chất chịu đựng được độ cao, các thủy thủ Tàu buồm 286/Lê Qúy Ðôn có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Bởi thế, giỏi leo cao, giao tiếp thành thạo tiếng Anh, được coi là những “nét đặc sắc” của các chiến sĩ tàu buồm.

Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn có đủ trang thiết bị phục vụ các chuyên ngành của hải quân, như: Hàng hải, thông tin-ra đa, cơ điện, vũ khí. Thông qua các chuyến huấn luyện đường dài, học viên có điều kiện hệ thống hóa kiến thức và huấn luyện thực hành sát với thực tế, qua đó nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ trước khi ra trường về đơn vị mới.

Tính đến nay, Tàu buồm 286/Lê Qúy Ðôn đã thực hiện được 3 chuyến huấn luyện đường dài kết hợp đối ngoại quân sự, với điểm đến là 6 nước trong khối ASEAN, gồm: Philippines, Brunei, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Indonesia.

Những chuyến đi này đã góp phần củng cố, vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa Hải quân nhân dân Việt Nam với hải quân các nước ngày càng sâu sắc, bền chặt, vì hòa bình và ổn định của mỗi nước và khu vực. Bởi vậy, không chỉ được ví von là “Thiên nga trắng”, Tàu buồm 286/Lê Quý Ðôn còn được gọi bằng cái tên “Sứ giả hòa bình”.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top