Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Hòn Chuối nơi tiền tiêu Tổ quốc

11:27 - Thứ Năm, 30/04/2020 Lượt xem: 19584 In bài viết

ĐBP - Giữa trùng khơi sóng nước, hoang sơ và bí hiểm với những vách đá dựng đứng, rừng nguyên sinh rậm rạp cách đất liền 17 hải lý về phía Tây, sừng sững như một con cá voi xanh khổng lồ trong biển nước là đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ðảo có diện tích khoảng 0,7km2, độ cao gần 170m so với mực nước biển. Nhìn từ xa đảo Hòn Chuối như lẻ loi giữa biển cả mênh mông, nhưng khi đặt chân lên đảo mới thấy cuộc sống ấm áp nghĩa tình của quân, dân nơi đây. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt, đi lại của quân và dân trên đảo còn rất nhiều khó khăn. Ðảo Hòn Chuối chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia, chỉ có một lớp học tình thương do bộ đội biên phòng quản lý.

Một góc Hòn Chuối.

Hòn Chuối có ba gành: Gành Nam, Gành Chướng và Gành Nồm. Từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, người dân sống ở Gành Nam để tránh gió chướng. Và ngược lại, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, cộng đồng lại gồng gánh nhau về Gành Chướng để tránh gió mùa Tây Nam.

Trên đảo có 3 đơn vị công tác là Trạm Hải đăng Hòn Chuối, Trạm Ra đa 615 thuộc Tiểu đoàn ra đa 551, Vùng 5 Hải quân và Ðồn Biên phòng 704 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau và hàng chục hộ dân sinh sống, họ kề vai sát cánh bảo vệ Tổ quốc. Quân dân ở đây đã gác lại thanh xuân, tuổi trẻ, những hạnh phúc giản đơn cùng nhau ra đây xây dựng, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Những lá cờ đã bạc màu vì nắng gió Tây Nam vẫn hiên ngang tung bay trên bầu trời Tổ quốc như những cột mốc thiêng liêng giữa biển trời gió lộng. Ðó là điểm tựa tinh thần cho quân dân trên đảo, nơi mà họ hướng về sau những giờ mệt nhọc mưu sinh.

Một chiến sĩ chia sẻ: “Ðể dành nước ngọt cho ăn uống, tưới rau, những sinh hoạt bình thường không cần thiết chúng em dùng nước biển. Nước ngọt của bọn em được lấy từ các tàu trong đơn vị trong bờ ra cấp và mỗi lần xuống núi lấy nước là mỗi lần ám ảnh mệt lắm, vai xước rỉ máu vì đòn gánh tì, đường dốc nước nặng”.

Hôm tôi ra đảo tận mắt chứng kiến cảnh cán bộ chiến sĩ gánh téc nước xuống núi lấy nước từ tàu (tàu Hải quân Vùng 5) ra cấp. Lòng tôi thắt lại, cuộc sống của họ còn quá khó khăn, vất vả. Không biết khi đầy nước họ trèo đá lên như thế nào. Chỉ nghĩ thôi cũng thấy quá khổ lắm rồi. Từ đỉnh núi phóng tầm mắt ra xa là một khung cảnh sinh động. Những ngư dân cặm cụi mưu sinh kiếm sống, người quăng chài, người câu cá những lồng bè nhỏ bé khin khít nương tựa vào nhau giữa biển cả mênh mông như những làng chài thu nhỏ dưới chân đảo. Những ngôi nhà tạm bợ hiu hắt trước điều kiện tự nhiên nơi đây. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng nụ cười thì không bao giờ thiếu trên khuôn mặt của họ đó là cảm nhận của tôi khi tiếp xúc với những ngư dân trên đảo.

Thiếu úy Bùi Sĩ Tuấn - Phó trạm trưởng Trạm Ra đa 615 chia sẻ: “Bọn em ở đây vất vả lắm, vào mùa mưa, có nước thì không có điện, còn mùa khô, có điện lại thiếu nước. Bởi hệ thống điện năng lượng mặt trời không thể sử dụng được vào mùa mưa, đồn phải chạy bằng máy nổ. Cứ mỗi tối chỉ được phép chạy từ 19 giờ tới 21 giờ, để đơn vị học tập sinh hoạt. Ðã thế, giông sét trên đảo lại rất nhiều, thường xuyên làm hỏng tivi, thiết bị”.

Mặc dù cuộc sống khó khăn, điều kiện địa hình, khí hậu tự nhiên phức tạp nhưng các đơn vị đóng quân ở đây luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo đảm hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đóng quân trên địa bàn, nắm chắc tình hình trên không, trên biển trong phạm vi quan sát, kịp thời thông báo, báo cáo giúp chỉ huy các cấp không bị động, bất ngờ trước các tình huống… Cán bộ chiến sĩ ở đây còn làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Ðảng và Nhà nước, giúp dân chuyển nhà khi chuyển mùa, phòng chống bão, thắt chặt tình quân dân... Các anh hàng vạn lần trèo rừng, vượt biển, hàng ngàn lần qua mặt tử thần, chân các anh rỉ máu vì dốc đá, nhưng có một niềm tin mãnh liệt là ý chí của các anh chẳng hề lung lay, vẫn kiên cường bám đảo, giữ từng hải lý biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ðể rồi sau những chặng đường tuần tra ấy, tấm áo của các anh lúc nào đẫm mồ hôi, muối biển.

Khi hoàng hôn dần buông, những đốm sáng dần dần xuất hiện nhiều hơn trên biển. Ðó là những ghe cá đánh bắt vào nghỉ ngơi, những lồng bè nuôi trồng thủy sản, lung linh huyền ảo như chốn bồng lai.

Với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, khí hậu mát mẻ cùng những món ăn độc đáo, hải sản tươi ngon, Hòn Chuối đang là điểm đến lý tưởng dành cho những du khách thích khám phá, ưa mạo hiểm, giúp du khách có thể xua tan những mệt mỏi và ồn ào nơi phồn hoa đô thị.

T.K (theo baotainguyenmoitruong.vn)
Bình luận
Back To Top