Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Ân tình biển cả

15:12 - Thứ Hai, 13/07/2020 Lượt xem: 17762 In bài viết

Song hành trên những chuyến hải trình, cùng trải qua giông gió giữa đại dương, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và ngư dân gắn kết bởi những sẻ chia, ân tình sâu đậm.

Thực thi nhiệm vụ trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn, giúp tàu thuyền ngư dân.

Chăm sóc hậu phương ngư dân

Chiếc ca nô cập bến đảo Cù Lao Chàm, nhóm người trên đảo nhìn ra biển ngóng chờ đoàn người lên đảo. Mùa hè, cái nắng gắt không làm cho xứ đảo Cù Lao Chàm nóng hơn, bởi những tán rừng của quả núi vòng cung khiến không khí trong lành, dịu mát.

Thấy đoàn khách đồng phục áo lính tìm đường đến trạm y tế, chị Nguyễn Thị Thanh Lan (ở thôn Bãi Làng, xã Tam Hiệp, TP Hội An) hồ hởi: “Lên xe chở đi. Yên tâm, lính với người làm từ thiện là không có lấy tiền đâu. Mấy anh chạy xe qua đây chở các cô chú này, cũng đừng lấy tiền nghen!”. Chất giọng hào sảng, tươi vui của chị Lan cùng anh em xe ôm trên đảo khiến khách bật cười, phấn chấn.

Dịp cuối tuần, du khách tham quan Cù Lao Chàm nhộn nhịp hơn. Không khí dường như vui hơn khi bà con đảo đón chờ bóng dáng lính biển. Từ sớm, ông Lê Lanh (thôn Bãi Ông, xã Tam Hiệp) đã có mặt tại Phòng khám quân dân y xã đảo Tam Hiệp. Gần 50 năm làm nghề biển, bệnh gai cột sống khiến ông Lanh vất vả, khổ sở hơn. Điều trị nhiều năm, đến khám lần này ông muốn được các bác sĩ quân y cảnh sát biển tư vấn để tiếp tục điều trị.

“Tui đánh bắt ven bờ, cách đảo mươi lăm hải lý. Làm nghề biển mấy chục năm rồi. Lần này, nghe có bác sĩ quân y nên đến nhờ kiểm tra, tư vấn cho tui điều trị thêm. Gần bảy mươi tuổi rồi chứ ít gì nữa”, ông Lanh chia sẻ.

Mỗi chuyến đi về vùng biển, huyện đảo các y, bác sĩ Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 2 túc trực, thăm khám và tư vấn sức khỏe cho bà con ngư dân, làng chài. Những ân cần, chu đáo của y bác sĩ làm ấm lòng bà con miền biển.

86 tuổi, tóc bạc trắng, cụ Nguyễn Thị Lưu (ở An Vĩnh, đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thường trực nụ cười đôn hậu. Bà cứ nhớ mãi những ngày tháng 5-2019, các y bác sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 về đảo chăm sóc sức khỏe bà con xứ đảo tỏi. Mặc dù tuổi già, được chăm sóc sức thường xuyên nhưng bà vẫn quyết lặn lội đến Trung tâm Y tế quân dân y kết hợp Lý Sơn gặp các y, bác sĩ. Được thăm hỏi, tư vấn sức khỏe, bà vui như được gặp người thân cũ.

“Con cái cho đi khám với kiểm tra hoài à, mấy bệnh già thôi. Nhưng mình cũng đăng ký lên cho các bác sĩ cảnh sát biển khám thêm. Thật ra là muốn lên gặp các cô chú lính biển ấy thôi. Nhìn các cô chú trang phục cảnh sát biển là an lòng lắm. Lên nói chuyện là cũng vui rồi”, cụ Nguyễn Thị Lưu cười đôn hậu.

Trong nhiều năm qua, BTL Vùng Cảnh sát biến 2 tiếp sức cho hậu phương ngư dân xa khơi ở các huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam… Những người lính biển chăm sóc sức khỏe bà con; thăm hỏi, tri ân gia đình chính sách, ngư dân khó khăn… Đọng lại trong lòng bà con xứ đảo, xứ biển nơi hành trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” từng đến, là niềm tin yêu sâu đậm với người lính biển, những người đầy tình cảm và vững chãi giữa trùng khơi.

Cờ Tổ quốc tung bay giữa đại dương, Cảnh sát biển Việt Nam và ngư dân luôn đồng hành đầy nghĩa tình.

Ân tình những người bạn biển cả

Ngư dân hành nghề trên biển, những người lính cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ đồng hành cùng nhau giữa đại dương. Đối diện với lốc giông, hiểm nguy họ thấu hiểu nhau. Ân tình sâu sắc của biển cả vì thế càng son sắc hơn.

Trong nhiều năm thực hiện chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang địa bàn tuyên truyền, hỗ trợ kiến thức pháp luật cho bà con, ngư dân các vùng biển đảo; thông tin kịp thời những chính sách, hỗ trợ khuyến khích, động viên nhân dân ổn định sinh sống trên đảo, tích cực bám ngư trường khai thác tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn biển đảo.

Sau bốn năm gắn với hành trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức các hoạt động ý nghĩa, chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền biển đảo, hỗ trợ khó khăn đến 2.500 cán bộ, người dân; 1.500 giáo viên, học sinh; cấp phát hơn 3.500 sổ tay tuyên truyền pháp luật, sổ tay hướng dẫn nhận biết, xử lý một số tình huống cấp cứu trên biển cho hàng trăm tàu cá ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc BTL Vùng quản lý.

Là những người bạn thân thiết, gần gũi giữa trùng dương đầy sóng gió, trắc trở, lực lượng cảnh sát biển đồng hành, trợ lực cho thuyền viên ngư dân vươn khơi bám biển. BTL Vùng Cảnh sát biển 2 thường xuyên duy trì lực lượng ứng trực tại các điểm đảo, thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Các cán bộ, chiến sĩ tiếp sức, hỗ trợ tàu thuyền, ngư dân đánh bắt hải sản an toàn, đúng vùng biển.

“Khi gặp sự cố tai nạn mà có bóng dáng của người cùng quê hương, nói tiếng của mình là mừng lắm. Đánh bắt trên biển, tụi tôi gặp nhiều đội, lực lượng lắm, cảnh sát biển tuần tra, đi cùng nhau trên biển nữa. Đó là sự tiếp sức tinh thần, giúp đỡ vượt nạn cho nhiều anh em ngư dân chúng tôi ra khơi”, ngư dân Nguyễn Văn Thanh (xã An Hải, huyện Lý Sơn) bồi hồi.

Cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân, là nhiệm vụ trọng yếu của những người lính biển. Trong hai năm qua, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 trực tiếp tìm kiếm cứu nạn, cứu kéo năm tàu cùng nhiều thuyền viên bị nạn trên biển. Đồng thời, phối hợp các lực lượng hỗ trợ nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ trong mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, cho biết: “Lực lượng cảnh sát biển luôn đồng hành với ngư dân ngoài khơi xa. Vì thế, ngư dân cũng yên tâm hơn nhiều, kiên trì bám biển thêm thời gian khai thác, đánh bắt hải sản, giảm chi phí những chuyến ra khơi. Khi gặp nạn, anh em thuyền viên được cứu giúp, tiếp sức kịp thời tính mạng, tinh thần. Đó là những giá trị lớn mà ngư dân nhận được”.

“Chúng tôi trân trọng những tình cảm mà cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển chia sẻ với bà con xã đảo. Những hoạt động này nhiều hơn nữa giúp ngư dân an tâm sinh sống hành nghề, giữ đảo”, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, Phạm Thị Mỹ Hương bày tỏ.

Những người đồng hành tuyến đầu sóng cả mới có thể thấu hiểu gian nguy giữa trùng khơi. Sự sẻ chia kịp thời với thuyền viên ngư dân từ thực phẩm, nhiên liệu trên hành trình đi khơi về lộng; cứu nạn, hỗ trợ y tế khi tàu thuyền gặp sóng gió in đậm trong hành trình vươn khơi của mỗi ngư dân.

Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 chia sẻ, cùng nhiều lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 đồng hành với ngư dân, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, bảo vệ ngư trường, khai thác đánh bắt bền vững. Sự chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm góp phần giúp những người bạn đồng hành trên biển gắn kết hơn.

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển gần gũi, chăm sóc bà con miền biển, hải đảo – hậu phương của ngư dân, là trợ lực tinh thần giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

“Chúng tôi luôn mong đồng hành, gắn bó với bà con vùng hải đảo, ngư dân khơi xa. Trên cả sự hỗ trợ, chia sẻ là ân tình của lính biển và anh em ngư dân miền biển. Chúng tôi gặp ngư dân trên biển, thấy cờ bay phấp phới như thấy Tổ quốc trong tim. Và anh em ngư dân thấy lực lượng cảnh sát biển đồng hành cũng yên tâm đi khơi xa bám biển, giữ biển”, Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định.

Trên những con tàu của ngư dân Việt Nam vượt trùng dương ra khơi giữ biển là lá cờ Tổ quốc bay trên mặt biển xanh thẳm. Những người lính biển, ngư dân nhận ra nhau từ niềm xúc động. Bởi, trong tim luôn là hồn quê hương, hồn Tổ quốc, hồn dân tộc.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top