Xã hộiBiển đảo Việt Nam

“Lão gàn” xây cột mốc Trường Sa giữa lòng phố biển

10:58 - Thứ Bảy, 25/07/2020 Lượt xem: 3956 In bài viết

ĐBP - Ở ngay giữa TP. Ðà Nẵng, một mô hình cột mốc đảo Trường Sa Ðông (thuộc Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) sừng sững hiện hữu như khẳng định niềm tin và tình yêu vững bền dành cho vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ðiều đặc biệt hơn cả là mô hình đó được một cựu chiến binh Trường Sa xây dựng ngay trong khuôn viên nhà mình, bên tuyến du lịch ven biển đường Trường Sa (TP. Ðà Nẵng) với mục đích ban đầu là tìm lại những người đồng đội năm xưa…

“Lão gàn” Trần Văn Xuất (ở giữa) kể lại chuyện dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa Ðông.

Sống lại những ký ức

Trong hành trình về Vùng 3 Hải quân, những phóng viên miền núi chúng tôi tìm gặp cựu binh Trường Sa Trần Văn Xuất (sinh năm 1964, trú ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Ðà Nẵng) theo lời giới thiệu của đồng nghiệp. Phần vì tò mò tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của chiến sĩ hải quân có khác nhiều so với những người lính biên phòng nơi cực Tây Tổ quốc mà chúng tôi từng tiếp xúc. Phần khác quan trọng hơn là đến gặp người cựu binh có danh hiệu “lão gàn” bỏ công, bỏ của dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa Ðông ngay trong khuôn viên nhà mình mà không cần để ý đến những lời dị nghị. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông là người có nước da mặn mòi, chân chất, trầm tĩnh và kiệm lời như bao người con miền biển khác. Thế nhưng trong câu chuyện hướng về vùng biển đảo thiêng liêng, khi gợi nhớ đến Trường Sa, đặc biệt là hòn đảo Trường Sa Ðông, ông Xuất như trở thành một con người khác. Những ngày còn là lính hải quân như sống lại khiến ông hoạt bát và say sưa trong từng câu nói. Mặc dù chỉ sống trên đảo Trường Sa Ðông khoảng 32 tháng, nhưng ký ức về thời điểm đó vẫn vẹn nguyên trong trái tim ông.

Còn nhớ cách đây hơn 30 năm, ông Xuất cùng nhiều thanh niên trên cả nước nhận lệnh ra đảo Trường Sa Ðông để xây dựng và canh giữ biển đảo quê hương. Lúc đó, ông được phân công vào Lữ đoàn 146. Như còn vẹn nguyên cảm giác rạo rực, lâng lâng của một thanh niên trẻ mang nhiều hoài bão đến nhận nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi, ông Xuất chia sẻ một cách say mê: “Vào khoảng cuối tháng 4/1984 tôi có quyết định được ra đảo Trường Sa. Lúc đó thanh niên chỉ nghĩ lên tàu là về đơn vị thôi, thế nhưng cuộc hành trình lại đem lại cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời. 4 giờ sáng tôi lên tàu để bắt đầu hải trình 7 ngày 7 đêm đến đảo Trường Sa Lớn. Tới nơi, phải đợi đổi quân xong thì chúng tôi lại tiếp tục hành trình 4 giờ đồng hồ nữa để tới Trường Sa Ðông nhận nhiệm vụ cao cả của người lính đảo”.

Trong trí nhớ của ông, cuộc sống trên đảo lúc đó vất vả lắm, thiếu nhất là nước uống và rau xanh. Những khó khăn trong sinh hoạt đời thường được ông Xuất chia sẻ hết sức hóm hỉnh: Ðời lính đảo ngày ấy chỉ mong có được bộ quần áo hoàn thiện. Ðiều kiện khó khăn, ai nấy đều mặc quần đùi, phải giặt bằng nước biển nên mặc vài ba tháng là nó mục hết thành ra ai cũng lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”. Dép cũng không có mà đi, tôi và đồng đội cứ đợi ở biển trôi vào đôi dép xốp nào sẽ dùng 3 chiếc đóng lại thành một chiếc rồi lội dưới san hô.

Gian khổ chẳng thể làm những người lính hải quân chùn bước. Ðể có thể kiên cường bám trụ nơi biển đảo đầy nắng và gió, ông cùng đồng đội nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía đất liền. Ông Xuất hào hứng kể lại một kỷ niệm xúc động về một dịp, ông cùng các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Ðông được gặp và trò chuyện với Ðô đốc Hải quân Việt Nam Giáp Văn Cương. “Lúc đó, chúng tôi không có đồ để mặc, tôi đang đứng gác nhưng cũng chỉ mặc chiếc quần đùi, cởi trần thì đồng chí Giáp Văn Cương bước tới bên cạnh và ân cần trò chuyện. Sau khi hỏi thăm về đời sống, sinh hoạt trên đảo, đồng chí nói với tôi một câu rằng: “Chúng tôi sẽ không quên các anh”! Cho tới tận bây giờ, cứ mỗi lần nghĩ lại, tôi cảm thấy xúc động và tự hào vì mình là người lính hải quân Trường Sa. Thêm một kỷ niệm vui nữa là khi đoàn ca nhạc Quân chủng Hải quân ra đảo biểu diễn phục vụ chiến sĩ năm 1985, trong đó có ca sĩ Thanh Loan. Gặp đúng lúc thời tiết khó khăn, nhưng chị vẫn đứng giữa tàu hát cho chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ nhà. Giọng hát quê hương ấy suốt cuộc đời chúng tôi không thể quên được” - ông Xuất bồi hồi nhớ lại.

Dựng cột mốc Trường Sa để tìm đồng đội

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1986 ông Xuất trở về quê hương làm kinh doanh với gia đình bao năm trôi qua nhưng tình cảm của ông với biển đảo chưa bao giờ phai nhạt. Ðôi mắt rưng rưng khi nghĩ về đồng đội,  ông Xuất tâm sự: “Mỗi lần đứng trước biển, thời tuổi trẻ của tôi như hiện ra trước mắt, tôi nhớ đồng đội từng cùng “nằm gai nếm mật”. Vì cuộc sống mưu sinh, tôi và đồng đội không thể giữ liên lạc với nhau để biết được ai còn, ai mất. Công việc ăn nên làm ra có của ăn của để, thế nhưng mỗi đêm vắt tay lên trán nghĩ về đồng đội không có điều kiện tôi lại chảy nước mắt không sao ngủ nổi”.

Rồi như có điều gì thôi thúc, ông Xuất quyết tâm tìm lại đồng đội của mình. Bắt đầu từ năm 2005, cứ thế từ Nam ra Bắc, ông Xuất bắt đầu cuộc hành trình từ những đầu mối thông tin dù là nhỏ nhất. Từ trong ký ức, ông lần lượt tìm được 22 đồng đội bằng những chuyến đi xuyên Việt. Có người ngoài Bắc, có người tận miền Tây sông nước, gặp lại họ ôm chầm lấy nhau mà đầm đìa nước mắt. Thế nhưng, ông Xuất vẫn chưa nguôi trăn trở khi vẫn còn 6 đồng đội chưa liên lạc được.

Suy đi tính lại, nhận thấy TP. Ðà Nẵng ngày càng phát triển, thu hút người dân đến tham quan du lịch, những người đồng đội cũ nhất định sẽ ghé thăm nên ông nảy ra ý tưởng xây dựng “ám hiệu”, biết đâu có duyên thì sẽ quy tụ lại được những người lính năm đó. Nghĩ là làm, ông Xuất dành bao tâm huyết để xây dựng cột mốc đảo Trường Sa Ðông với tỉ lệ 1:1 mặc cho nhiều lời xì xào, bàn tán của bao người. Ông Xuất kể lại: “Năm 2008 tôi bắt đầu làm theo nguyên bản cột mốc ở ngoài đảo Trường Sa Ðông với chiều cao 6m, rộng 1,5m, bốn mặt đều khắc dòng chữ lớn Ðảo Trường Sa Ðông, vĩ độ 08055’00’’N, kinh độ 112021’00’’E. Vợ con cũng phản đối ghê gớm lắm, nói tôi gàn dở. Nhiều người hàng xóm thì nói tôi khoa trương. Chẳng ai hiểu tôi muốn làm gì nhưng tôi mặc kệ, cứ bắt tay vào xây dựng theo ý tưởng của mình. Ðến sau này, khi cột mốc hoàn thành, và nhờ nó tôi tìm được những đồng đội còn lại. Năm 2012, sau bao năm xa cách, tất cả chiến sĩ Trường Sa ngày ấy có cuộc hội ngộ lần đầu tiên dưới chân mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Ðông tại nhà tôi trong nỗi xúc động vỡ òa, tràn ngập niềm vui lẫn nước mắt hạnh phúc ngày gặp mặt. Lúc ấy mọi người mới thấy hết được ý nghĩa sâu xa khi tôi dựng cột mốc này”.

Vượt lên ý nghĩa ban đầu, từ khi cột mốc chủ quyền Trường Sa Ðông dựng lên, nơi đây đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân TP. Ðà Nẵng, cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều năm qua đã có hàng trăm nghìn lượt khách đến vãn cảnh, chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền. Không chỉ vậy, nơi đây còn là nơi góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho các thế hệ trẻ ngày nay. Thêm một điều nữa khiến mô hình này càng đặc biệt, bên cạnh cột mốc, ông Xuất trồng hai cây bàng vuông được đồng đội mang về từ đảo Trường Sa khiến cho mô hình càng mang dáng dấp của phiên bản thật đang ở giữa trùng khơi.

Với chúng tôi, những người đã quen với gió đại ngàn nhưng vẫn còn lạ lẫm với sóng biển thì cuộc gặp gỡ với cựu binh hải quân Trần Văn Xuất mang rất nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ chúng tôi chưa và chắc là khó có dịp ra được tới Trường Sa để nghiêng mình trước cột mốc chủ quyền biển đảo. Thì nay ở giữa đất liền, ngay ở thành phố đáng sống nhất cả nước, chúng tôi được gặp gỡ, lắng nghe những ký ức của người lính hải quân Trường Sa, chạm tay vào mô hình cột mốc Trường Sa Ðông để có thể hiểu thêm về lịch sử hào hùng của quân chủng hải quân, thêm tự hào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top