Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Bảo vệ hệ sinh thái và phát triển nguồn lợi thủy sản

09:30 - Thứ Năm, 17/12/2020 Lượt xem: 22734 In bài viết

Vùng  biển nước ta được đánh giá là đa dạng sinh học, giàu nguồn lợi thủy sản, với hàng trăm loài cá và động vật thân mềm, trong đó có những loại thủy sản đặc hữu nổi tiếng và có số lượng lớn. Để bảo vệ nguồn lợi từ những vùng biển mang lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26-5-2010 và Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều năm qua, các địa phương ven biển đã có những hoạt động thiết thực nhằm làm sạch môi trường biển; bảo vệ, giải cứu các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm; phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và phát triển nguồn lợi thủy sản… Nhờ vậy, đến nay, cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển; bổ sung nguồn lợi thủy sản đạt hơn 400 triệu con giống cá có giá trị kinh tế, loài bản địa; tổ chức điều tra, xác định và ban hành danh mục gần 50 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng tinh vi, chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Việc sử dụng các nghề, ngư cụ có tính hủy diệt, tận diệt hoặc xâm hại nguồn lợi thủy sản vẫn tiếp diễn, khiến tính đa dạng của nhiều vùng biển ngày càng giảm sút, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ. Mặc dù, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến việc ngư dân sử dụng các công cụ khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt, với chế tài xử phạt cũng theo hướng tăng nặng, song một bộ phận ngư dân vì lợi ích trước mắt vẫn lén lút thực hiện tận diệt các loại hải sản lớn nhỏ, bất chấp những hệ lụy có thể xảy ra. Thậm chí, đã có những trường hợp ngư dân bị thương hoặc trả giá bằng cả mạng sống do sử dụng thuốc nổ, xung điện để đánh bắt thủy, hải sản. Trong khi đó, công tác điều chỉnh, cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề cho ngư dân còn chậm, chưa có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng bị điều chỉnh

Để bảo vệ các hệ sinh thái và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp các địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017, trong đó một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017; tiếp tục điều tra, đánh giá, quản lý nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản theo trữ lượng và khả năng cho phép khai thác, bảo đảm không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, triệt để các vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, vận chuyển chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản. Đồng thời rà soát tàu cá sử dụng nghề cấm, ngư cụ cấm khai thác thủy sản để hướng dẫn và tạo điều kiện chuyển đổi ngư cụ đánh bắt cho ngư dân; xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu, thuyền công suất nhỏ hoạt động ven bờ, nhằm bảo đảm đời sống lâu dài cho người dân ven biển. Chỉ có sự đồng hành của ngư dân, thay đổi cách khai thác, mới tạo nên sự bền vững trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, cũng như an ninh chủ quyền biển, đảo quốc gia.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top