Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Dấu ấn Ðại tướng trên đảo Sơn Ca

17:22 - Thứ Năm, 28/01/2021 Lượt xem: 4198 In bài viết

ĐBP - Một lần được đến với Trường Sa nắng gió, xa đất liền hàng trăm hải lý, là niềm vinh dự, tự hào và là một trải nghiệm không bao giờ quên. Ðến với Trường Sa, việc đầu tiên khi đặt chân lên các đảo đối với mỗi đoàn công tác là đến dâng hương tại đài tưởng niệm các danh nhân, anh hùng dân tộc. Và khi đến đảo Sơn Ca, điều làm tôi ấn tượng mạnh là công trình Công viên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tượng chân dung Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca hiên ngang hướng ra biển trời bao la của Tổ quốc.

Công viên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng tại vị trí đắc địa nhất trên đảo Sơn Ca. Tượng chân dung Ðại tướng Võ Nguyên Giáp được tạc từ đá sa thạch nguyên khối hiên ngang hướng ra biển trời bao la của Tổ quốc, là điểm nhấn của công trình. Chỉ huy đảo Sơn Ca cho biết, Công viên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp được hoàn thành vào tháng 12/2015, với tổng diện tích hơn 400m2; bức tượng Ðại tướng được đặt hướng nhìn bao quát cả vùng biển, vùng trời Tổ quốc Việt Nam, thể hiện thần thái uy nghi và quyết đoán của vị tướng thiên tài.

Qua tìm hiểu tôi biết được rằng Sơn Ca là đảo đầu tiên trong quần đảo Trường Sa có sáng kiến xây dựng một khu vực riêng tưởng niệm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, với ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh, nghị lực tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và các thế hệ người dân trên đảo trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Chiến sĩ đảo Sơn Ca tìm hiểu về lịch sử của quân đội, Hải quân Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trên bức tường tưởng niệm.

Khác những đài tưởng niệm các vĩ nhân khác trên quần đảo Trường Sa, Công viên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca nổi bật và đặc biệt với bức tường hình vòng cung chia hai cánh ôm phía sau bức tượng Ðại tướng. Trên bức tường là hơn 300 bức ảnh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và các tư liệu quý của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Bên cạnh công viên là con đường mang tên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù chỉ là đường bê tông nối công viên với chùa Linh Sơn trên đảo nhưng đoạn đường này do chính bàn tay của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo xây dựng trong nhiều tháng liền. Sau khi hoàn thành con đường, cán bộ, chiến sĩ kè đá, xây dựng khuôn viên vườn hoa tưởng niệm Ðại tướng; trồng cây bàng vuông, phong ba, tra, phi lao tạo cảnh quan. Chiến sĩ và người dân trên đảo còn kể rằng, việc xây dựng vườn hoa tưởng niệm Ðại tướng kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành là tròn 103 ngày (đúng bằng tuổi thọ của Ðại tướng).

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong các ngày lễ, tết, ngày truyền thống của quân đội, của lực lượng hải quân đều được cán bộ, chiến sĩ trên đảo tổ chức tại công viên. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn giúp cán bộ, chiến sĩ “thấm” và “ngấm” sâu sắc hơn về truyền thống yêu nước của dân tộc; về cuộc đời hoạt động cách mạng của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ đó xây chắc niềm tin, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ðã nhiều lần đến Trường Sa, phóng viên Nguyễn Ðình Lâm, Báo Khánh Hòa chia sẻ: “Các công trình như Công viên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành điểm tựa tinh thần, cổ vũ quân và dân đảo Sơn Ca nói riêng, Trường Sa nói chung quyết tâm bám biển, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng”.

Cùng với Công viên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa đã có công trình Tượng đài Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn, Tượng đài Hưng Ðạo Vương trên đảo Nam Yết và Song Tử Tây. Những công trình này mang ý nghĩa to lớn giúp cán bộ, chiến sĩ ở nơi đảo xa tưởng nhớ, tri ân những anh hùng dân tộc. Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị của hòa bình, nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc đối với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ

Lan Phương
Bình luận
Back To Top