Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Nơi tiền đồn Tổ quốc

11:10 - Thứ Bảy, 08/05/2021 Lượt xem: 28742 In bài viết

ĐBP - Dịp những phóng viên trẻ chúng tôi được cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ra thăm, chúc tết các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên Nhà giàn DK1. Năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm những chuyến tàu từ đất liền ngoài nhiệm vụ đảo quân, chuyên chở hàng hóa, các nhu yếu phẩm ra nhà giàn, còn đong đầy tình cảm, tình thương yêu của những người mẹ, người vợ và tình cảm của nhân dân cả nước đến các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biển trời thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Chiến sĩ trên nhà giàn tăng gia sản xuất.

Cảng vụ Lữ Ðoàn 171, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, những ngày cuối năm đông vui tấp nập, nhưng ai nấy mỗi người một việc. Từ các chiến sĩ đến các phóng viên mọi người đều hối hả vận chuyển hàng hóa, quà tết, dụng cụ tác nghiệp, hành lý xuống tàu; người bịn rịn chia tay gia đình, người thân. Sau ba hồi còi dài, tàu TS 08 rẽ sóng ra khơi. Khởi hành theo hải trình Vũng Tàu - Ba Kè - Quế Ðường - Huyền Trân - Phúc Tần - Vũng Tàu. Ðoàn công tác có 85 người gồm thủy thủ tàu, các chiến sĩ ra thay quân và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Là tàu vận tải nên điều kiện sinh hoạt có phần hạn chế, toàn bộ thủy thủ và chiến sĩ trên tàu đã nhường giường cho phóng viên, còn các anh trải chiếu nằm dưới sàn và nằm võng. Tôi được biên chế vào phòng 6 người (gồm 5 anh em phóng viên và Thiếu tá Vũ Văn Hậu, Chỉ huy phó Nhà giàn DK1/19).

Càng ra xa, số thành viên say sóng càng nhiều, nhiều chiến sĩ trẻ cũng không tránh khỏi, bởi sóng mỗi lúc một to và hung dữ hơn. Về phần mình, học theo kinh nghiệm của những chiến sĩ nhà giàn kỳ cựu truyền lại trước lúc ra khơi, nên ngoài giờ ăn, ngủ trong phòng, tôi đều lên boong tàu trò chuyện với các chiến sĩ để hiểu thêm về cuộc sống của những người lính nhà giàn, phần để tránh bị say sóng. Nói về chuyện say sóng, Thượng úy Nguyễn Trọng Hoàng, quê Nghệ An, người có 19 năm tuổi quân nhưng có hơn 10 năm công tác trên nhà giàn chia sẻ: Ði biển dài ngày nếu ai khỏe sẽ không bị say sóng, mà còn mau đói và ăn tốt hơn; còn người yếu có thể say từ lúc đi đến lúc về. Ðến ngư dân - những người gần như quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển mà vẫn bị say sóng như thường. Vì họ đang quen đi tàu nhỏ có độ lắc nhanh, nên khi sang tàu to độ lắc chậm lại cảm giác chòng chành nên dễ bị say.

Cùng đi, cùng ở trên tàu mới thấy sự vất vả của các chiến sĩ tổ phục vụ. Với chúng tôi, đi lại trên tàu thôi đã thấy khó khăn, mặc dù đã bám vào thành tàu mà vẫn bị sóng đánh cho nghiêng ngả, nhiều lúc ngã dúi dụi. Vậy mà các anh di chuyển đi lại, lên cầu thang hai tay lại phải mang theo những đĩa thức ăn, bát canh nóng. Anh Nguyễn Văn Phơn, bếp trưởng trên tàu chia sẻ: Ði biển vào dịp cuối năm rất vất vả vì biển động sóng to, gió lớn. Nhiều lúc gặp sóng cao 5 - 6m đánh vào mạn tàu làm mâm cơm vừa sắp xong bị xô đổ, vỡ bát đĩa là chuyện thường. Vì vậy, cấp dưỡng trên tàu cũng cần phải có kinh nghiệm, hôm nào biển động mạnh, sóng to nấu ăn rất khó, thì lúc đó phải ưu tiên những món xào hay những món chế biến nhanh gọn. Nên ngay từ đầu việc cân đối và chọn thực phẩm trên đất liền rất quan trọng, bởi nó quyết định đến sức khỏe của cả đoàn và hành trình của chuyến đi…

Sau hơn 42 giờ hành trình liên tục, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ Ba Kè dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Tất cả anh em phóng viên dường như quên hết mệt nhọc, say sóng, ùa lên boong tàu vẫy tay chào các chiến sĩ trên nhà giàn. Tác nghiệp ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng, ấn tượng. Những gương mặt rạng rỡ, vui tươi, phấn khởi, đan xen với cảm giác rưng rưng xúc động của những người lần đầu được tiếp cận khu vực thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Do điều kiện thời tiết cuối năm biển động, sóng to nên có nhiều nhà giàn tàu không thể tiếp cận được. Mọi hàng hóa, quà tết đều được đưa xuống xuồng và chuyển lên nhà giàn bằng cần cẩu. Việc chúc tết các cán bộ chiến sĩ được thực hiện qua bộ đàm. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh đầy xúc động của 6 nữ phóng viên trong đoàn đã gửi tặng các chiến sĩ nhà giàn KD1/9 bài hát “Gần lắm Trường Sa” qua bộ đàm. Trong không gian xúc động, thiêng liêng ấy nhiều thành viên trong đoàn đã không cầm được nước mắt…

Nhà giàn DK1 - pháo đài vững chãi đang ngày đêm canh giữ sự bình yên của vùng trời, biển đảo quê hương.

Ngày thứ tám biển lặng sóng, chúng tôi may mắn được lên nhà giàn DK1/19 thuộc Cụm Kinh tế - Khoa học kỹ thuật - Dịch vụ Quế Ðường. Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự rộng rãi, khang trang, với đầy đủ vật dụng sinh hoạt thường ngày. Nắng và gió là “đặc sản” của nhà giàn. Mới sáng sớm, nắng đã chói chang, phản chiếu lấp lánh trên mặt biển. Giữa mênh mông trùng khơi, nhà giàn DK1/19 hiện lên như một pháo đài vững chãi. Nắng gió khắc nghiệt, nhưng trên nhà giàn vẫn tràn trề sức sống. Có những luống rau mùng tơi, rau cải xanh non mơn mởn, những con gia cầm khỏe mạnh… Thăm nhà giàn giúp chúng tôi phần nào thấu hiểu được những khó khăn, vất vả và cả những nỗ lực của cán bộ chiến sĩ nơi đây. Chiến sĩ trẻ Bùi Ðào Nhân, quê Hải Dương, đang đóng quân tại Nhà giàn DK1/19 chia sẻ: Ngoài công tác huấn luyện ra thì điều đầu tiên mỗi chiến sĩ nhà giàn phải tự mình học khi đặt chân lên đây là cách câu cá biển, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng thì như đổ lửa, lúc thì mưa bão tơi bời nên việc tăng gia sản xuất trên nhà giàn đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ. Quá trình trồng phải chăm sóc, che chắn cẩn thận. Diện tích cũng hạn chế nên chỉ nuôi được từ 1 - 2 con lợn và 5 - 10 con gia cầm, mỗi vườn rau chỉ khoảng vài mét vuông...

Trò chuyện với những người lính nhà giàn, các anh không nhắc đến khó khăn. Dường như với các anh, khó khăn, gian khổ đã quá đỗi quen thuộc và trở nên bình thường. Trung tá Phạm Công Trãi, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/19 cho biết: Nhà giàn DK1/19 được xây dựng tại bãi cạn Quế Ðường; là một trong những tiền đồn bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; đồng thời là trạm Khí tượng - Thủy văn, thường xuyên thu thập các số liệu thời tiết về đất liền. Những năm qua, 100% cán bộ, chiến sĩ nhà giàn duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; không để bị động bất ngờ, chủ động phát hiện sớm từ xa các loại mục tiêu. Góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Ðể mỗi nhà giàn là điểm tựa tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho tàu, thuyền ngư dân của ta vươn khơi bám biển…

Thật vinh dự, tự hào khi một lần được đặt chân lên nhà giàn DK1 - tiền đồn bảo vệ thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Những giây phút xúc động, thiêng liêng ấy sẽ còn mãi trong tôi. Dẫu biết cuộc sống giữa muôn trùng biển khơi còn nhiều gian nan, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhưng tin rằng, với tình yêu biển đảo quê hương, yêu Tổ quốc, những chiến sĩ nhà giàn luôn lạc qua yêu đời, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, luôn chắc tay súng bảo vệ vùng trời, biển đảo quê hương.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top