Phòng Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ đội Biên phòng tỉnh

Đơn vị “lĩnh ấn tiên phong” (Bài 3)

00:00 - Thứ Sáu, 02/01/2015 Lượt xem: 1137 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} Kỳ III: Tập thể mạnh gồm những cá nhân mạnh ĐBP - Được sự giúp đỡ của lãnh đạo Phòng Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, nhóm phóng viên chúng tôi có buổi làm việc với một số cán bộ chiến sỹ của Phòng. Đó là trung tá, Phó Trưởng phòng Lò Văn Khánh; là thiếu tá Bùi Quang Hân, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm; là đại úy Vũ Quang Lâm và thượng úy Nguyễn Sỹ Bính, trinh sát viên...

Khác rất nhiều so với sự hình dung và cả những ý tưởng sắp xếp cho bài viết của chúng tôi, trước khi cuộc tiếp xúc được diễn ra. Theo cách hiểu thông thường, vì đây là những cán bộ chiến sỹ (CBCS) không chỉ tiêu biểu trong công tác mà còn là những người trực tiếp tham gia điều tra, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm ma túy xuyên quốc gia; do vậy, hẳn là câu chuyện của họ phải rất hấp dẫn với những pha đuổi bắt ly kỳ, những cuộc vật lộn chí tử... chả khác gì trong các bộ phim hành động loại “bom tấn” của nước ngoài. Song ngược lại, như lời đại tá, Trưởng phòng Lê Quang Đán, thì: “Có những chuyên án lớn anh em chúng tôi phải chuẩn bị ròng rã hàng mấy tháng trời, cân nhắc từng li từng tí, kết thúc trọn vẹn và thậm chí đáng được tổng kết viết thành sách nghiệp vụ. Song để kể cho báo chí thì chả biết nên bắt đầu từ đâu. Không phải vì lý do “nhạy cảm” vì đó chỉ là những vụ án buôn lậu hàng quốc cấm bình thường và cũng kết thúc lâu rồi...”. Chúng tôi hiểu, họ là những CBCS chỉ đắm vào công việc, những người mà cứ nhận lệnh là lên đường và “khẩn trương” đến mức không cả kịp nói lời tạm biệt với vợ...

Đối tượng và tang vật của chuyên án 086-Lv - Một ví dụ về sự phối hợp phá án giữa hai lực lượng biên phòng Điện Biên (Việt Nam) - Phoong Sa Ly (CHDCND Lào).

Như chúng ta đều biết: Nhiều năm qua, cùng với Nghệ An và Sơn La, tỉnh Điện Biên được xác định là một trong ba địa bàn đứng đầu cả nước về tội phạm ma tuý. Mỗi năm hàng trăm vụ án ma tuý được đưa ra xét xử, hàng trăm bị cáo chịu sự trừng phạt nghiêm khác của pháp luật, kể cả tử hình. Theo thống kê từ cơ quan chức năng, hiện nay, 100% số xã biên giới của tỉnh Điện Biên có tội phạm ma tuý hoạt động. Qua nghiên cứu hồ sơ các vụ án, cho thấy hầu hết các vụ phạm tội về ma tuý ở Điện Biên đều có nguồn gốc hoặc điểm xuất phát từ biên giới Tây Nam, phần tiếp giáp giữa Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào. Trung tá, Phó Trưởng phòng Lò Văn Khánh cho biết: Từ kết quả của các phương án triệt phá chuyên sâu tại các tuyến và cụm địa bàn trọng điểm, cho thấy hàng năm tỷ lệ bắt ma túy ở khu vực biên giới đã tăng từ 10% đến 20% số vụ. Lực lượng chức năng liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy; tập trung xóa nhiều tụ điểm phức tạp về ma túy tại các huyện: Điện Biên, Mường Chà và Nậm Pồ... Mặc dù không phải là địa bàn biên giới, nhưng huyện Điện Biên Đông cũng là một trong những điểm nóng về ma túy, tồn tại như một sự thách thức trong hàng chục năm qua.

Có “cầu” ắt có “cung” và “cung” ở đây chính là các tỉnh Bắc Lào vốn chịu áp lực rất lớn về ma tuý từ trung tâm “Tam giác vàng” - nơi mà hoạt động trồng và chế biến ma tuý được đánh giá là lớn nhất và dữ dội nhất thế giới. Cứ như ước tính của các nhà chuyên môn, khoảng 80% lượng ma tuý được tuồn vào Lai Châu trước kia và Điện Biên hiện nay, là thẩm lậu qua khu vực ngoại biên; 20% còn lại theo các địa bàn khác hoặc qua các con đường khác. Đặc điểm địa hình, đường biên giới Việt - Lào dài, hiểm trở, khó kiểm soát. Mặt khác, đời sống nhân dân trong vùng còn nhiều khó khăn; không ít các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở vùng sâu, vùng xa chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đây cũng là nguồn gốc căn cơ, làm phát sinh tội phạm ma túy cũng như nạn nghiện ngập các chất ma túy.

Bằng kinh nghiệm sau 10 năm trong vai “thủ lĩnh” kể từ ngày thành lập đơn vị, đại tá, Trưởng phòng Lê Quang Đán, chia sẻ: Hàng bao đời nay, tại những địa bàn biên giới nói chung, đại bộ phận cư dân là bà con các dân tộc thiểu số; trong đó đông nhất là dân tộc Mông, thứ đến là các dân tộc: Thái, Hà Nhì, Dao, Lào... có nhiều mối quan hệ huyết thống hoặc dòng tộc, vợ chồng, anh em với đồng bào thiểu số bên nước bạn. Chính vì vậy, dưới danh nghĩa thăm thân, nhiều người thường lén lút thực hiện các cuộc vượt biên bên này sang bên kia và ngược lại. Lấy ví dụ: Từ một số xã biên giới vùng lòng chảo Mường Thanh (xã Thanh Yên chẳng hạn), theo “con đường phù dung” trập trùng qua suối Huổi Sa, đến suối Huổi Pánh là tới huyện Mường Mày (tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào). Tiếp tục vài giờ kiên nhẫn bơi xuồng xuôi dòng Nậm Núa, là tới nơi mà có thời heroin bày bán như thóc gạo, đóng mác “Song sư hí cầu” và được bán với giá khuyến mãi hẳn hoi. Sau vài giờ “thăng thiên” rồi lại “độn thổ”, sớm hôm sau đối tượng trở về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú như không hề có chuyện gì xảy ra. Cũng vì những nguồn “siêu lợi nhuận”, theo thời gian, cơn lốc ma túy đã lần lượt “cuốn đi” không ít cán bộ, đảng viên các xã vùng biên, cả những công an viên, nhà giáo, cán bộ đoàn thanh niên từng nhiều năm “đi đầu” trên mặt trận phòng chống ma túy.

Một đặc điểm mà ai cũng biết, đó là tính manh động và tàn nhẫn của các đối tượng ma túy. Chắc nhiều người chưa quên cuộc “đấu súng” tại điểm cao Pú Min trên biên giới Việt - Lào (thuộc địa phận xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 26/4/2006. Sau một đêm mật phục, vào sáng hôm sau, lực lượng phối hợp gồm Cục Phòng chống ma tuý (Bộ Tư lệnh Biên phòng), Phòng Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng tỉnh) và Đồn Biên phòng 425 Pa Thơm, đã phá một vụ buôn bán ma tuý gồm nhiều đối tượng tham gia. Ban chuyên án bắt được một tên là Vàng A Pó (sinh năm 1980, dân tộc Lào Sủng, trú quán bản Pa Hốc, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào), tang vật thu giữ gồm 4 bánh (1,4kg) heroin và 1 khẩu CKC đạn chật cứng trong băng. Lợi dụng địa hình rừng núi, các đối tượng đã bắn trả quyết liệt, khiến một chiến sỹ của lực lượng Biên phòng tỉnh bị thương gãy ống chân trái. Sau hơn 10 phút đọ súng, 8 đối tượng đào thoát sang bên kia biên giới. Quá trình ta dẫn giải đối tượng và tang vật về thành phố Điện Biên Phủ, tên Vàng A Pó đã tự sát trên ôtô.

Cảm giác như có sự động lòng trắc ẩn, đại tá Lê Quang Đán nhắc đến vụ án mà đơn vị phối hợp với Đồn Biên phòng 423 Thanh Luông thực hiện ngày 6/1/2009; đối tượng là Lò Thị Hoa, dân tộc Thái, hộ khẩu thường trú tại bản Hạ, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Vụ này tang vật chỉ có 1 bánh heroin nhưng điều đáng nói là tại thời điểm bị bắt, chồng Hoa cũng đang thụ án tù giam, cũng vì buôn bán ma tuý. Xòe bàn tay ám khói thuốc vì những đêm thức trắng chỉ đạo chuyên án, đại tá Lê Quang Đán bảo: “Đã đành ai có tội người ấy bị pháp luật trừng phạt, nhưng những đứa con của họ bơ vơ ngoài đời, chẳng biết chúng sống bằng gì và lớn lên sẽ ra sao?...”. Tôi hiểu điều mà Lê Quang Đán không nói ra, đó là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của chúng ta. Chả thế mà ông bà mình từng có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ở đây, nếu chúng ta làm tốt hơn công tác “phòng bệnh”, thì có lẽ không phải “chữa bệnh”, chí ít cũng hạn chế được nhiều những số phận lao tù... Hoặc như vụ xảy ra ngày 22/9/2008, tại khu vực bản Nậm Ty, xã Thanh Nưa (gần mốc B10), bắt quả tang 7 đối tượng đang vận chuyển 4,5kg thuốc phiện. Nghe đọc biên bản, nhiều đối tượng không ký nổi cái tên của mình và sau này kết thúc hồ sơ điều tra, quả thực họ không hề biết chữ chứ không phải giả vờ không biết để khỏi ký biên bản phạm pháp. Điều mà các anh day dứt là trình độ dân trí như thế, thì làm sao trình độ pháp luật cao cho được?!

Với bề dày thành tích 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Phòng Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã trải qua một chặng đường đầy gian lao, vất vả đánh đổi bằng mồ hôi, trí tuệ và đôi khi cả xương máu. Nhiều đồng chí chỉ huy cũng như anh em CBCS trong đơn vị được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng cũng như các bộ, ngành, tổ chức Trung ương, chính quyền và các ban ngành địa phương trao tặng những danh hiệu cao quý. Đương nhiên, đó không chỉ là nguồn cổ vũ, động viên, mà còn là sự ghi nhận xứng đáng, kịp thời, về những cống hiến bền bỉ, liên tục của tập thể CBCS Phòng Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ đội Biên phòng Điện Biên. Họ là “một tập thể mạnh trên cơ sở những cá nhân mạnh” - đại tá Lê Quang Đán nói như vậy với nụ cười tư lự...

(Đón đọc kỳ sau)

Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top