Phòng Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ đội Biên phòng tỉnh

Đơn vị “lĩnh ấn tiên phong” (Bài 4)

00:00 - Thứ Sáu, 09/01/2015 Lượt xem: 1043 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} Kỳ IV: Phải “đánh” ma tuý mới hiểu ma tuý... ĐBP - Trả lời câu hỏi của chúng tôi về thực trạng vấn nạn ma túy hiện nay ở khu vực biên phòng Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, đại tá Lê Quang Đán, Trưởng phòng Phòng Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng tỉnh), đánh giá một cách thẳng thắn: “Mặc dù anh em chúng tôi đã rất cố gắng, song đến thời điểm này mà nói tình hình hoạt động của tội phạm ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới với số lượng lớn, có trang bị vũ khí nóng và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện và bắt giữ”...

Lý giải cho hiện tượng trên, viên sỹ quan của quê hương “sông Vân núi Thúy” cho biết: Phía ngoại biên, 100% làng bản nước bạn có tình trạng sử dụng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; trong đó, nhiều địa bàn trọng điểm như: Bản Huổi Hịa (đối diện đồn Phìn Hồ); bản Thanh Luống và Kha Trí (đối diện đồn Thanh Luông); bản Na Luông (đối diện đồn Pa Thơm); bản Pang Hốc (đối diện đồn Cửa khẩu quốc tế Tây Trang); bản Huổi Ven (đối diện đồn Mường Nhà)... Bên cạnh đó là 4 tuyến chính chuyên mua bán, vận chuyển ma túy từ địa bàn ngoại biên về Điện Biên - Việt Nam; gồm: Tuyến U Đôm Say - Pặc Mông - Na Son, Huổi Ven; tuyến U Đôm Say - Mường Khoa - Mường Mày - Pang Hốc; tuyến U Đôm Say - Sốp Nạo - Na Luông và tuyến Phoong Sa Ly - Mường Khoa - Nà Lầm - Huổi Hịa...

Đối tượng Thò A Dính (dân tộc Lào) cùng toàn bộ tang vật trong chuyên án 008-Lv.

Cũng theo đại tá Lê Quang Đán, hiện nay có 5 điểm các đối tượng người Lào dựng lán nương giáp biên giới để bán ma túy, gồm: Khu vực các lán nương bản Na Luông - Khu II - huyện Mường Mày - tỉnh Phoong Sa Ly (đối diện Đồn Biên phòng Pa Thơm và Đồn Biên phòng Thanh Luông); lán nương bản Huổi Hịa - khu 10 - huyện Mường Mày - tỉnh Phoong Sa Ly (đối diện Đồn Biên phòng Si Pa Phìn); lán nương khu vực Huổi Bay - Khu II - huyện Mường Mày - tỉnh Phoong Sa Ly (đối diện Đồn Biên phòng Thanh Luông); các lán nương đầu suối Huổi Máy bản Pa Hốc - huyện Mường Mày - tỉnh Phoong Sa Ly (đối diện với Đồn Biên phòng Tây Trang); bản Huổi Ven - khu I - Mường Hợp - Luông Pra Băng (đối diện Đồn Biên phòng Mường Nhà). Trong khi ở nội biên, 29/29 xã thuộc địa bàn 17/17 đồn Biên phòng có người sử dụng ma tuý. Thống kê mới nhất theo Quyết định 2434/QĐ-TTg ngày 13/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy số đối tượng nghiện trong địa bàn khu vực biên giới hiện nay gần 1.400 người.

Qua công tác điều tra, bám nắm địa bàn của lực lượng chức năng, ghi nhận 25/29 xã có hoạt động mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới. Trong đó, nổi cộm là các địa bàn: xã Mường Nhà, Mường Lói, Na Ư, Pa Thơm, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông (huyện Điện Biên); xã Phìn Hồ, Nà Bủng (huyện Nậm Pồ)... Hướng vận chuyển ma tuý vào sâu trong nội địa và đi nước thứ ba, chủ yếu ma tuý sau khi được vận chuyển qua biên giới, tập kết ở khu vực huyện Điện Biên; Điện Biên Đông và thành Điện Biên Phủ rồi chuyển đi các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai sang Trung Quốc số còn lại được vận chuyển đi Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Nguyên... Tình hình trồng và tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn biên giới vẫn còn. Năm qua (2014), các Đồn Biên phòng đã phối hợp với chính quyền xã Mường Nhà và Mường Mươn (huyện Điện Biên); xã Nà Hỳ và Nà Bủng (huyện Nậm Pồ); xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé)... tổ chức phá nhổ trên 1.400m2 diện tích trồng cây thuốc phiện, tại các địa bàn thuộc quyền quản lý của các đồn...

Các đối tượng người Lào vận chuyển ma tuý tổng hợp bị bắt giữ ngày 08/5/2008.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân của tập thể cán bộ chiến sỹ trong phòng, 10 năm qua trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, sự hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp của Cục Phòng chống tội phạm ma túy, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; cùng với đó là sự phối hợp, giúp đỡ của các lực lượng chức năng. Mặt khác, Bộ Chỉ huy thường xuyên chỉ đạo các đơn vị sử dụng, phối hợp đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng khác như: Chủ động xây dựng chương trình phối hợp với An ninh 2 tỉnh Luông Pra Băng và Phoong Sa Ly (CHDCND Lào); triển khai thực hiện các kế hoạch nghiệp vụ, tăng cường kiểm soát hành chính, tuần tra vũ trang, vận động quần chúng trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm khác nói chung. Các đơn vị đã tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của ma túy, các hành vi vi phạm pháp luật, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, không trồng, tái trồng cây chứa chất ma túy, phát hiện nhân dân khu vực biên giới vượt biên sang đất bạn trồng cây chứa chất ma túy và mua ma túy...

Lẽ thường, chúng ta ai cũng mong muốn cho cuộc sống của bà con các dân tộc ở vùng sâu, biên giới được đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần. Trên thực tế nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã bằng mọi nỗ lực để có hàng trăm chương trình, kế hoạch, dự án về tất cả các lĩnh vực đời sống: Giao thông - giáo dục - y tế - văn hoá - xã hội... đầu tư cho các tỉnh miền núi suốt từ Nam chí Bắc. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn vùng sâu, biên giới đã căn bản được cải thiện; ở nhiều nơi, sự thay đổi ấy là rất lớn, rất đáng phấn khởi. Nhưng, riêng với một số lượng không nhỏ các gia đình, tiếc thay, sự giầu lên nhanh chóng và “bất thường” của họ lại làm chúng ta thật thất vọng, thật đau lòng. Có đêm liên tiếp mấy đồn cùng điện về, báo cáo vừa phá xong vụ vận chuyển ma tuý trên địa bàn phụ trách. Trong đó, có những chuyên án được đánh giá là hoàn thiện về kỹ năng nghiệp vụ, thể hiện ở chỗ không chỉ bắt giữ gọn ghẽ đối tượng và tang vật phạm pháp, mà còn bảo đảm an toàn cho lực lượng và cho cả nhân dân trên địa bàn.

Kể từ tháng 5/1997, sau vụ án ma tuý khủng khiếp “Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường”, lần đầu tiên tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu) được dư luận cả nước biết đến như một “thị trường giàu tiềm năng” về thứ độc dược đã trở thành quốc nạn này. Dẫu không phải là các nhân vật bước ra từ những câu chuyện cổ hoang đường, dẫu không có phép “cải tử hoàn sinh” để chặt cái đầu này lại mọc ngay vài cái đầu khác, tuy nhiên sức hấp dẫn bởi những nguồn lợi bất chính khổng lồ, đã đưa bao kẻ vào vòng phạm pháp và nhiều tên vĩnh viễn chấm dứt mạng sống ngoài pháp trường từ lúc tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ sau mấy cái tặc lưỡi tội lỗi và định mệnh, từ một thanh niên hiền lành chân chất bỗng trở thành “ma vương” với cái chết không thể toàn vẹn xác thây. Mấy “thập kỷ ma tuý” đi qua, cùng với các phiên toà ở Điện Biên, số bị cáo ma tuý là người Điện Biên ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại những phiên toà hình sự ở thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh: Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu...

Tôi hỏi: “10 năm vừa gián tiếp vừa trực tiếp cùng đồng đội phá gần 1.000 vụ án ma tuý, các anh rút ra được kinh nghiệm gì?”; thượng tá Lê Bá Long - Phó Trưởng phòng, Phòng Phòng chống tội phạm ma túy - trả lời: “Thực tế cho thấy án ma tuý vô cùng đa dạng, tội phạm mỗi băng nhóm, mỗi đối tượng xảo quyệt một cách, do vậy không có bài học chung tuyệt đối nào. Tuy nhiên, phải “đánh” ma tuý mới hiểu ma tuý, đó cũng coi như “bí quyết” vậy! Chuyên án kết thúc thắng lợi, nhưng người lính phòng chống ma tuý nào cũng nghe lòng nặng trĩu những niềm day dứt. Giá mà không có ma tuý? Giá mà không có những cảnh ai đó bị đánh thức vào lúc nửa đêm về sáng, được ăn một bữa cơm vĩnh biệt để rồi sau đó bị bịt mắt dẫn ra pháp trường?...”.

Tự đáy lòng mình, chúng tôi tin vào những điều thượng tá Lê Bá Long vừa nói, như tin vào bản thành tích dài dằng dặc về các vụ án, chuyên án, về các đường dây ma tuý mà đơn vị đã triệt phá thành công kể từ khi cơ quan này được thành lập. Đấy là lý do để Phòng Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ đội Biên phòng Điện Biên - đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”...

(Đón đọc kỳ sau)

Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top