Kỷ niệm 70 năm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946 - 6/1/2016)

70 năm chói lọi, huy hoàng

00:00 - Thứ Tư, 06/01/2016 Lượt xem: 2061 In bài viết
ĐBP - Trong lịch sử thời hiện đại Việt Nam, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1945) và sự ra đời của Quốc hội là một mốc son chói lọi, huy hoàng, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra thời kỳ phát triển mới của dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan nhà nước có đầy đủ cơ sở và tư cách pháp lý đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Như tin các báo đã đưa: Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức vào ngày 6/1/2016 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội). Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng ôn lại ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên; nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm của Quốc hội trong 70 năm qua, đồng thời, khẳng định vị thế của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Đại biểu tham quan Triển lãm Sách, tư liệu chủ đề “70 năm Quốc hội Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ảnh: C.T.V

Ngược dòng thời gian bảy thập niên trước, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và với sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946 thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, là kết quả từ sự gắn bó máu thịt và niềm tin sắt đá của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng ở phía nam, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra dưới bom đạn ác liệt nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ bầu ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, Quốc hội ngày càng nâng cao vai trò, trách nhiệm, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước CHXHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân.

Quốc hội Việt Nam là cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cơ quan này có 3 chức năng chính: Lập pháp; Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Thành phần nhân sự của cơ quan này là các đại biểu Quốc hội do cử tri bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua Quốc hội, nhân dân sử dụng quyền lực của mình để định đọat các vấn đề của đất nước. Quốc hội Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Cơ quan này có các đơn vị trực thuộc là ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Trải qua 70 năm với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội luôn luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khóa Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Những thành tựu của Quốc hội nước ta trong 70 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó. Quốc hội các khóa đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương của Đảng để thể chế hóa thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Quốc hội. Mặt khác, những thành tựu đó cũng là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đó cũng là kết quả của quá trình đổi mới không ngừng về tổ chức, phương thức làm việc của Quốc hội, năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan chuyên trách của Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác; sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới.

Hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, cùng với cử tri cả nước, hàng vạn cử tri Điện Biên đang hồi hộp chờ đợi sự kiện được xem là “ngày hội non sông”. Khắp nơi trong tỉnh, cử tri đã sẵn sàng cả về tâm thế và ước nguyện công dân, chào đón sự kiện 70 năm Quốc hội với một niềm tin son sắt, rằng Quốc hội sẽ tiếp tục nêu cao vai trò của mình, góp phần đưa Điện Biên tiến nhanh trên con đường hội nhập và phát triển...

Hồng Kỳ (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top