Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh và tăng cường hoạt động đối ngoại đối với tỉnh biên giới

00:00 - Chủ Nhật, 24/01/2016 Lượt xem: 7964 In bài viết
ĐBP - Trích tham luận của đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn trình bày tham luận tại Đại hội XII của Đảng.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên rng trên 9.500km2 với 19 dân tộc anh em sinh sống; có đường biên giới dài trên 400km tiếp giáp với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, địa hình hiểm trở, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh trên hướng Tây Bắc của Tổ quốc. Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010 - 2015), được sự quan tâm lãnh đạo, chí đạo sâu sát của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,12%/năm, quy mô tổng sản phẩm tăng gấp 2,42 lần so với đầu nhiệm kỳ; các mặt giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa có nhiều chuyển biến tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; tỉnh Điện Biên đã ra khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn.

Về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, trong những năm qua, triển khai thực hiện những Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết TW5 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, tỉnh Điện Biên đã tập trung quán triệt, cụ thể hóa thành các chương trình hành động để triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ. Tỉnh đã xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và đã ch đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện tốt phương châm “sâu sát cơ sở, tập trung trong lãnh đạo, quyết liệt trong ch đạo điều hành, chủ động nắm và giải quyết tình hình ngay tại cơ sở” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Do vậy, hệ thống chính trị ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn về tổ chức; năng lực chỉ đạo điều hành từng bước được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từng bước được phát huy vai trò, trách nhiệm và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Khối đại đoàn kết các dân tộc luôn được quan tâm chăm lo xây dựng tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bo quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, tỉnh Điện Biên đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ chiến lược quan trọng này. Tổ chức thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội được thể chế hóa và phát huy, góp phần động viên nhân dân tích cực sản xuất xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa được chăm lo phát triển; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tạo dựng, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Về quốc phòng - an ninh và đối ngoại, là một tỉnh miền núi biên giới nhiều dân tộc anh em sinh sống, là địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh, tỉnh Điện Biên luôn xác định quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề trong cả giai đoạn và ra chỉ thị hàng năm về nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các lực lượng đã chủ động nắm tình hình, dự báo đúng tình hình và giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đối ngoại không ngừng được tăng cường và mở rộng. Quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Điện Biên tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào với phương châm “Phát triển quan hệ đối ngoại giữa bản với bản biên giới, xã với xã biên giới, huyện với huyện biên giới”. Quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được duy trì, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác phát triển. Tiếp tục mở rộng quan hệ với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và các tổ chức quốc tế trong tiến trình hội nhập.

Để tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh và tăng cường đối ngoại, tỉnh Điện Biên đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở: Tiếp tục đổi mới sâu rộng, toàn diện phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, nhất là năng lực cụ thể hóa, xây dựng và thực hiện nghị quyết của cấp trên gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện. Tập trung phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở những thôn, bản chưa có đảng viên và tổ chức cơ sở đảng để làm hạt nhân chính trị ở cơ sở. Lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện tốt Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, nhất là thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương để phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phát huy hiệu quả trong hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri; nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền theo hướng sâu sát và có hiệu quả thiết thực. Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể, tổ chức hội, hội quần chúng bám sát nhiệm vụ chính trị, phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện phương châm “hướng về cơ sở” đồng thời phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào tiêu biểu gắn với mỗi tổ chức; chăm lo phát triển đoàn viên, hội viên.

Thứ hai, về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp các cơ quan trong hệ thống chính trị; mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân nòng cốt trong phong trào quần chúng để xây dựng khối đoàn kết các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu tiên đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Phát huy vai trò chủ động, tích cực của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động; nắm bắt kịp thời, phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng. Chính quyền các cấp, MTTQ ở cơ sở cần thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện; tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, về đảm bảo quốc phòng, an ninh: Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nòng cốt là lực lượng vũ trang cần nắm chắc tình hình, nhận định dự báo đúng tình hình, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra, giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc gắn với thế trận quốc phòng toàn dân; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, tuyên truyền lập “Vương quốc mông” của các thế lực thù địch.

Thứ tư, về công tác đối ngoại: Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa về cơ chế, chính sách để giúp các tỉnh biên giới có điều kiện mở rộng và tăng cường hoạt động đối ngoại; thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, khai thác tiềm năng, lợi thế cửa khẩu biên giới đất liền; tăng cường hợp tác trao đổi nắm tình hình; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, với khai thác có hiệu quả kinh tế đối ngoại, tiềm năng lợi thế cửa khẩu; xây dựng biên giới ổn định, hòa bình và phát triển.

Bình luận
Back To Top