Nhìn thẳng, nói thật để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới

00:00 - Thứ Hai, 25/01/2016 Lượt xem: 1954 In bài viết
ĐBP - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã qua 4 ngày làm việc. Trời Hà Nội mưa phùn, gió bấc nhiệt độ dưới 10oC, nhưng Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia vẫn “nóng” với những tham luận của đại biểu. Hoàn thiện thể chế để “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới” là nội dung xuất hiện khá dày trong các tham luận.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; nhìn lại 30 năm đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020. Trong phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử, tạo tiền đề và nền tảng quan trọng để nước ta phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch...”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các thành viên đoàn đại biểu tỉnh ĐiệnBiên dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Trong một ngày rưỡi thảo luận, 42 đại biểu tham luận trực tiếp tại hội trường đã đề xuất nhiều giải pháp tâm huyết nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, nổi bật nhất là hai vấn đề “đổi mới” và “hội nhập”.

Đề xuất các giải pháp về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một số tham luận đã nêu rõ: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nội dung lớn và quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng ta. Qua các kỳ Đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội XI, quan điểm của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng được phát triển, hoàn thiện. Để kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đi vào cuộc sống, vấn đề mấu chốt là phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Những năm qua, những ràng buộc về tính thống nhất của thể chế chưa cho phép TP. Hồ Chí Minh thật sự khai thác, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng phát triển, phù hợp với điều kiện đặc thù của một đô thị đặc biệt và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, trong thiết kế thể chế rất cần chú trọng hình thành các động lực, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, tạo không gian chủ động cho các địa phương. Đối với các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện. Mong muốn Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn trong chủ trương chuyển nền hành chính mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ, dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhấn mạnh ý nghĩa việc đổi mới thể chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn nêu hạn chế của chúng ta: “5 năm qua, đất nước đã tích cực đổi mới thể chế kinh tế và đạt một số kết quả nhất định, nhưng đổi mới về chính trị thì hầu như chưa làm. Chính vì vậy, công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển. Vì vậy, giai đoạn tới, việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách”. Để khắc phục những hạn chế đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, kiến nghị: “Đảng là người lãnh đạo cao nhất đất nước, cần chủ động nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc quyết định, kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo”.

Tuy không “trực diện” như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, song hầu hết các đại biểu đều thẳng thắn phân tích sâu những kết quả và hạn chế, thời cơ và thách thức, định hướng mô hình phát triển kinh tế và quản lý xã hội, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế chung của thời đại. Trong đó coi tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng trưởng xanh - bền vững làm khâu đột phá. Đảng, Nhà nước phải có những quyết sách, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, tận dụng những cơ hội mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành cộng đồng ASEAN mang lại để tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. Từ đó giải quyết tốt sự phân hóa giàu - nghèo trong đời sống xã hội, giảm thiểu sự chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng.

Chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” cũng được nhiều đại biểu tham luận đề xuất, cần được coi là một nội dung trọng tâm trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển bền vững. Một số tham luận đã phân tích sâu, làm rõ những thời cơ và thách thức của hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến hết sức đa dạng. Nước ta đang đứng trước thời cơ mới để phát triển, để nâng cao hơn nữa vị thế trên trường quốc tế, nhưng đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới về cạnh tranh kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia. Đề xuất nhiều giải pháp, các đại biểu cũng tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta sẽ tận dụng tốt thời cơ, vượt qua mọi thách thức, hội nhập quốc tế thành công, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Trước yêu cầu đổi mới và hội nhập hiện nay, để phát triển và bảo vệ đất nước, từ thực tiễn một tỉnh miền núi, biên giới, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đã có bài tham luận tại Đại hội XII về nội dung “Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh và tăng cường hoạt động đối ngoại đối với tỉnh biên giới". Khẳng định Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh trên hướng Tây Bắc của Tổ quốc, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đã đề xuất một số giải pháp cơ bản để thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới. Trong đó, tập trung đổi mới sâu rộng, toàn diện phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân nòng cốt trong phong trào quần chúng để xây dựng khối đoàn kết các dân tộc; nắm bắt kịp thời, phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng; nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ với khai thác có hiệu quả kinh tế đối ngoại, tiềm năng lợi thế cửa khẩu; xây dựng biên giới ổn định, hòa bình và phát triển...

Với tinh thần nghiêm khắc phê bình và tự phê bình, các tham luận trình bày tại Đại hội đã thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, yếu kém nếu không được giải quyết sẽ dẫn tới nguy cơ tụt hậu, nền kinh tế trì trệ kéo dài. Trong phiên thảo luận văn kiện, Đại hội XII đã nhìn thẳng và nói thật như mong muốn của nhân dân là sau khi nói thật, nhìn thẳng rồi thì khi Đại hội lần thứ XII kết thúc phải làm ngay, làm quyết liệt và hiệu quả!

Bài, ảnh: Đức Bảo
Bình luận
Back To Top