Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV từ ngày 20 đến 30-7

Xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước

09:30 - Thứ Ba, 14/06/2016 Lượt xem: 4013 In bài viết
Ngày 13-6, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự kiến nội dung, thời gian và cách thức tiến hành kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ nhất khoảng 9 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-7 và dự kiến bế mạc vào ngày 30-7-2016.
Yêu cầu Chính phủ báo cáo về môi trường biển

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Bên cạnh đó, trong mảng công tác giám sát, sau khi thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2017, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập đoàn giám sát chuyên đề. Đáng lưu ý, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể chưa được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV như dự kiến ban đầu, do đến thời điểm này Chính phủ chưa có văn bản chính thức về vấn đề này.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản liên quan đến các vấn đề cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh) cũng là nội dung quan trọng sẽ được cơ quan lập pháp dành thời lượng thích đáng tại kỳ họp. Trong một phiên họp riêng vào ngày 14-6, UBTVQH sẽ đánh giá cụ thể và quyết định trình Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng thông tin, trong số các tài liệu gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Bổ sung thẩm phán

Chiều 13-6, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về trang phục thẩm phán, hội thẩm, giấy chứng minh thẩm phán và hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong TAND; việc bổ sung số lượng thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp; tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp đối với kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Liên quan đến nội dung bổ sung số lượng thẩm phán cho tòa án các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, để phúc đáp kịp thời việc thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp thống nhất đề nghị trước mắt UBTVQH xem xét bổ sung một số chỉ tiêu thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp cho các tòa án trên cơ sở giữ nguyên tổng số biên chế của các tòa án theo Nghị quyết số 473a/NQ-UBTVQH13.

Theo đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị bổ sung thêm 67 thẩm phán cao cấp cho 3 TAND cấp cao; 65 thẩm phán cao cấp cho 63 TAND cấp tỉnh (mỗi TAND cấp tỉnh có 1 thẩm phán cao cấp, riêng TAND TP Hà Nội và TAND TPHCM có 2 thẩm phán cao cấp), tương tự như số lượng kiểm sát viên cao cấp tại 63 VKSND cấp tỉnh vừa được UBTVQH quyết định theo Nghị quyết số 1155/NQ-UBTVQH ngày 2-3-2016. Tuy nhiên, trước mắt, đề nghị chưa bổ sung 117 thẩm phán trung cấp cho TAND cấp tỉnh, chờ đến khi Đề án về vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới xem xét tổng thể…

Về trang phục xét xử của thẩm phán, bà Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến trong UBTP đồng ý với đề nghị của TAND tối cao bổ sung trang phục xét xử của thẩm phán là áo choàng dài tay, quy định rõ màu sắc chủ đạo là màu đen, có kèm theo một số họa tiết, nhưng không quá cầu kỳ để phân biệt trang phục xét xử của từng ngạch thẩm phán.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng ý với quan điểm của Ủy ban Tư pháp về bổ sung biên chế thẩm phán trên tinh thần thận trọng, làm từng bước. Về trang phục xét xử của thẩm phán, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc yêu cầu phải phù hợp với thể trạng của người Việt Nam, điều kiện khí hậu nhiệt đới… Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, UBTVQH nên đồng ý nguyên tắc trang phục xét xử của thẩm phán nên có áo choàng đen, nhưng cụ thể như thế nào thì nên giao cho Chánh án TAND tối cao quyết định.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top