UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 8

Nhiều ý kiến đóng góp vào các dự thảo, báo cáo

07:51 - Thứ Sáu, 26/08/2016 Lượt xem: 3551 In bài viết
ĐBP - Trong 2 ngày (25 – 26/8), đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8.

Ngày 25/8 phiên họp thảo luận, đóng góp và tham gia ý kiến vào các dự thảo, báo cáo. Đối với Đề án Phát triển hệ thống đô thị tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020, đại biểu có ý kiến về nguồn vốn thực hiện, quy hoạch tổng thể và chi tiết; nâng cao năng lực cho cán bộ dự án khi triển khai thực hiện; quản lý đất đai, thu hồi đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển kinh tế đất đai phục vụ mở rộng các khu chức năng, khu đô thị mới; hỗ trợ tái định cư, giám sát thực hiện đánh giá tác động môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước… trong quá trình triển khai các dự án.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8.

Về Đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh, giai đoạn 2011 – 2015, định hướng 2020, sau 5 năm triển khai thực hiện, cả hệ thống chính trị ở các cấp, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã chung sức thực hiện chương trình. Tỉnh đã vận dụng các cơ chế chính sách của Trung ương để ban hành nhiều cơ chế chính sách, bố trí lồng ghép nguồn vốn, tập trung huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội các xã. Từ đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân; nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đại biểu đưa ra những khó khăn đặc thù trong quá trình triển khai ở mỗi địa phương. Những giải pháp để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đến hết năm 2020 có 2/10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Điện Biên phủ và TX. Mường Lay), có 35 xã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới (15-19 tiêu chí). Số tiêu chí đạt bình quân các xã 11,3 tiêu chí/xã, không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Đại biểu tập trung đánh giá những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh, gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Đặc biệt là triển khai Đề án giai đoạn chưa đáp ứng được mục tiêu cũng như yêu cầu thực tế. Nhất là công tác đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc còn khó khăn. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc nguy cơ mai một, biến đổi... Việc điều chỉnh, bổ sung Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 – 2020 cũng nhận được ý kiến của đại biểu về những dự án, chương trình hỗ trợ cho nông dân làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Ngày 26/8, thành viên UBND tỉnh tiếp tục thảo luận, đóng góp và tham gia ý kiến việc sửa đổi, điều chỉnh bổ sung những nội dung còn lại.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top