Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

15:20 - Chủ Nhật, 06/11/2016 Lượt xem: 3936 In bài viết

ĐBP - Tiếp theo chương trình kỳ họp, ngày 04/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã phân tích, đánh giá một số tồn tại, hạn chế trong quản lý đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh và tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp; vấn đề lạm thu trong xây dựng nông thôn mới, qua đó tham gia vào Báo cáo kết quả giám sát và Dự thảo Nghị quyết về nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Về vấn đề quản lý đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh và tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp: Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2015 về kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014, và Nghị quyết 112/2015/NQ-QH13 đã chỉ rõ hạn chế, đó là: Mặc dù các nông, lâm trường nhà nước giao quản lý diện tích đất đai khá lớn, 7.916.366ha, song việc quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả chưa cao, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, để đất hoang hóa, đất chưa sử dụng còn khá nhiều, hiện còn 236.619ha đất chưa được sử dụng.

 

Đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận.

Kết quả sắp xếp các nông, lâm trường theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị thực hiện chậm, hiệu quả đạt thấp, nhiều mục tiêu không hoàn thành, nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại, việc rà soát sử dụng đất đai của các nông, lâm trường mới chỉ dừng lại ở mức độ trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa. Hầu hết các nông, lâm trường sau khi được sắp xếp lại đã không thực hiện việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp. Phần lớn các nông, lâm trường chuyển đổi thành doanh nghiệp (hơn 60% với khoảng 88% diện tích) đã không làm thủ tục sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Tại 3 đơn vị cổ phần hóa do không quản lý chặt chẽ nên phần lớn diện tích trước đây nông, lâm trường đã giao khoán cho người lao động đã bị chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép trước khi cổ phần hóa, khi thực hiện cổ phần hóa đơn vị không thu hồi được. Điển hình là Công ty cổ phần gà giống Ba Vì, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông - lâm sản chế biến thuộc Công ty rau quả - nông sản, Công ty Việt - Mông...

Qua đó cho thấy, trong lúc các công ty nông, lâm nghiệp được nhà nước giao quản lý diện tích đất đai lớn nhưng sử dụng không hiệu quả thì đồng bào dân tộc thiểu số cả nước còn 33.346 hộ thiếu đất ở, 3.914 hộ không có đất ở, 117.458 hộ thiếu đất sản xuất và 23.285 hộ không có đất sản xuất.

Tại Điều 3, Nghị quyết 112/2015/NQ-QH13 nhấn mạnh: "Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương; xây dựng phương án phát triển công ty nông, lâm nghiệp gắn với đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, phát triển bền vững, kết hợp với giảm nghèo. Triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với địa bàn để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân khác; công khai việc quản lý, sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp; phát huy dân chủ, minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại địa phương. Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội". Tuy nhiên, đến nay đã gần một năm nhưng Chính phủ chưa có báo cáo này.

Để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 112/2015 của Quốc hội khóa XIII, Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung một khoản như phần trích dẫn trên vào Điều 2 Dự thảo Nghị quyết về nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai của quốc gia, mặt khác không thể để các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang quản lý một diện tích đất đai rất lớn do Nhà nước giao nhưng lại đứng ngoài Chương trình mục tiêu Quốc gia này. Nhất là việc xây dựng phương án triển khai công ty nông, lâm nghiệp gắn với mô hình quản trị kinh doanh, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp như Điều 3, Nghị quyết 112 của Quốc hội, không để Nghị quyết 112 chỉ tồn tại trên giấy, đồng thời thực hiện nghiêm luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Thứ hai, vấn đề lạm thu trong xây dựng nông thôn mới: Đại biểu rất đồng tình với đánh giá "nhiều địa phương chỉ chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân" tại Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết. Việc lạm thu đã xảy ra tại không ít địa phương trên cả nước như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Việc lạm thu xảy ra đối với trẻ em (kể cả trẻ mới sinh), đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, thậm chí những người này đang trong tình trạng nằm tại bệnh viện khó có thể qua khỏi. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, tình trạng đến nay vẫn chưa chấm dứt, đề nghị cần được phân tích, đánh giá đầy đủ, cụ thể hơn về nội dung này trong Báo cáo giám sát.

Đại biểu đồng tình với quy định tại Khoản 2, Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết về kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện chương trình, tuy nhiên, đề nghị bỏ hai từ "tiếp tục" mà nên chỉ rõ: "kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện chương trình", thể hiện sự quyết tâm nghiêm túc trong nghị quyết của Quốc hội.

Đề nghị nghiên cứu quy định hàng năm các địa phương phải dành ít nhất 50% số vượt thu ngân sách để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đối với các địa phương không tự cân đối được ngân sách, phải nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nhất là địa bàn miền núi thì số vượt thu này không nhiều chỉ khoảng 5 - 10 tỷ đồng, do đó sẽ không bổ sung được nhiều cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề nghị có chính sách riêng đối với các địa phương này.

Đại biểu nhận định, người dân là chủ thể và cũng là người được hưởng thành quả chương trình xây dựng nông thôn mới, một khi lòng dân đã thuận, chương trình chắc chắn đạt được mục tiêu mong muốn.

Mai Hồng
Bình luận
Back To Top