Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới phát huy hiệu quả tốt

09:06 - Thứ Bảy, 17/12/2016 Lượt xem: 4857 In bài viết

ĐBP - Ngày 16/12, Ban Chỉ đạo Bộ quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 – 2016”. Tại điểm cầu Điện Biên, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

 
 Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Nước ta có 1.110 xã, phường, thị trấn vùng biên giới, hải đảo (BGHĐ) thuộc 234 quận, huyện, thị xã; 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với dân số khoảng 8,3 triệu người. Triển khai đề án, Ban Chỉ đạo đã lựa chọn 10 xã thuộc 10 tỉnh đại diện các vùng, miền trong cả nước đưa vào kế hoạch chỉ đạo điểm cấp Trung ương. Đồng thời, chỉ đạo Bộ đội biên phòng 44 tỉnh, thành phố tham mưu với địa phương lựa chọn xây dựng 1 xã điểm cấp tỉnh và mỗi huyện BGHĐ lựa chọn xây dựng 1 xã điểm cấp huyện về triển khai thực hiện Đề án, làm cơ sở rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Với việc tập trung vào các giải pháp nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, hủ tục bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tế... đề án bước đầu đạt hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ.

Tại Điện Biên, hiện có trên 22.600 hộ với trên 112.000 nhân khẩu đang sinh sống tại 29 xã thuộc 4 huyện biên giới, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 47%. Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Mông là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân, tỉnh ta đã triển khai, thực hiện đề án một cách đồng bộ, nghiêm túc và đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ đề án cho gần 300 cán bộ; biên soạn 18 đề cương tuyên truyền; đăng phát gần 130 tin, bài, phóng sự trên báo, đài; thành lập 32 câu lạc bộ tư vấn pháp luật với trên 520 thành viên, 19 tổ tuyên truyền pháp luật với gần 100 thành viên ở các xã biên giới; tổ chức gần 3.000 buổi tuyên truyền cho hơn 156.000 lượt cán bộ và nhân dân vùng đồng bào dân tộc Mông; các đồn Biên phòng đã tổ chức 16 lớp học tiếng dân tộc Mông cho gần 500 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia… Từ đó, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở các xã biên giới, nhiều hủ tục được hạn chế và loại bỏ; tệ nạn xã hội giảm, ý thức chấp hành các quy chế, quy định bảo vệ biên giới được nâng lên.

Nhân dịp này, 13 tập thể, 19 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 105 tập thể, 165 cá nhân được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top