Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 _ 19-12-2016)

Nhớ lời kêu gọi cứu nước, cứu dân của Bác Hồ

15:18 - Chủ Nhật, 18/12/2016 Lượt xem: 15677 In bài viết

Lịch sử mãi nhớ ghi: ngày 19-12-1946 tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), Bác Hồ đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ngày 20-12-1946, Bác đã đến Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm (Hà Tây - nay là Hà Nội) gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước lời hiệu triệu đó khi toàn quốc bùng nổ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta.

Đại diện cho tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác đã thúc giục toàn dân đứng lên cứu nước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

“Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” làm sống lại khí phách quật cường, ý chí chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Ta nghe trong đó như sống lại khí phách ngàn xưa của Trần Quốc Tuấn “thà chặt đầu tôi trước đi, rồi hãy đầu hàng giặc”, của Trần Bình Trọng “thà làm ma nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”, của Triệu Trinh Nương “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp sóng dữ chém cá kình ở biển Đông và quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi”, như thấy lại Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong tay vì không được bàn việc đánh giặc; ta như được thúc giục bởi ý chí “Sát Thát” đánh giặc của đời xưa.

Lời hiệu triệu đó như thâu tóm lại lời của nước non sông núi: “Ngày nào làm hết cỏ nước này thì người Nam mới hết chống quân Tây”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do”; làm sống lại tinh thần Tuyên ngôn độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”; tất cả như sống lại hào khí truyền thống: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”; tất cả là sự kết tinh lại một chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc trong sự nghiệp thiêng liêng dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước.

Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp mỗi lúc một điên cuồng lấn tới, thì lời hiệu triệu “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” là quyết tâm sắt đá của ta giành lại được quyền tự do và độc lập từ tay bọn thực dân xâm lược, nếu không, chúng ta vĩnh viễn mất Tổ quốc, vĩnh viễn bị nô lệ, như lời vị Cha già dân tộc đã khẳng định: “Dù ta cần phải hy sinh 4 triệu hoặc 8 triệu người, mà nước ta được độc lập, dân ta được tự do, tổ tiên ta được vẻ vang, con cháu ta được hạnh phúc cũng còn hơn cúi mà chịu làm nô lệ cho thực dân Pháp muôn đời”.

 

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19-12-1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ phát súng đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến, cùng quân và dân cả nước nhất tề vùng lên kháng chiến và đã giành được thắng lợi, giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc. Trong ảnh: Đại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đáp lời hịch vang dậy núi sông của Người, cả dân tộc nhất tề đứng lên cầm vũ khí, người có súng dùng súng, người có gươm dùng gươm, người không có gươm, súng thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc lao vào cuộc kháng chiến với ý chí như Hịch đánh Tây của cha ông ta ngày trước: “Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tre làm binh khí, nhất định không bao giờ ngừng chiến đấu chống quân cướp nước”; với niềm tin sắt đá, như Bác đã khẳng định: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. Và niềm tin đó, quyết tâm đó được khẳng định trong những lời Bác chúc tết năm 1947, tết đầu tiên sau khi nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công”.

Với từ lời hiệu triệu của non sông “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do”, dân tộc ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Nhà nước độc lập của nhân dân đã ra đời, cởi ách nô lệ cho đồng bào, đưa người dân từ nô lệ mất nước lên làm chủ của nước độc lập, tự do.

Giặc Pháp trở lại xâm lăng sau khi nước nhà độc lập, lời thề “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, một lần nữa lại thúc giục toàn dân đứng lên, ai ai cũng coi đánh giặc làm bổn phận:

Dân ta phải giữ nước ta,
Dân là con nước, nước là mẹ chung”,

Và “con nước” ấy thật mạnh mẽ vô cùng: Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Bế Văn Đàn lấy thân mình làm bệ súng; Tô Vĩnh Diện chèn lưng kéo pháo; La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương để tiếp tục tiến lên diệt giặc… Tất cả vì nghĩa lớn dân tộc, vì nghĩa lớn đồng bào “ta chết một mình ta, nhưng ta góp phần đấu tranh cho muôn người được sống” (Nguyễn Thị Minh Khai đanh thép nói khi bị thực dân Pháp xử bắn tại trường bắn Hóc Môn). Tất cả đều quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, dân tộc ta đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, với những chiến thắng oanh liệt trong những chiến dịch:

Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp âm mưu kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “chớp nhoáng”. Chúng đưa số quân viễn chính lên 12 vạn rưỡi tên và huy động hơn 2 vạn lính tinh nhuệ nhất thực hiện kế hoạch tiến công lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến và đại bộ phận quân chủ lực của ta. Hưởng ứng Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “đập tan cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp”, cả nước hướng về căn cứ địa Việt Bắc, nổ súng phối hợp, các đồn bốt kho tàng ở Tây Ninh, Mỹ Tho, Biên Hòa, Tân An bị tập kích; Tây Nguyên đánh mạnh, lập nhiều căn cứ ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam; Quảng Ngãi, Bình Định tiến công địch đi càn; Đồng bằng Bắc bộ phong trào tổng phá tề lên mạnh dọc hai bên đường số 5. Tại căn cứ địa Việt Bắc, 3.000 giặc Pháp bỏ xác, hơn 3.000 tên bị thương, 270 tên bị bắt. Việt Bắc thật sự là mồ chôn giặc Pháp.

Cả nước hưởng ứng Quyết định của Trung ương Đảng và Bác Hồ (tháng 6-1950), mở Chiến dịch Biên giới nhằm mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giải phóng một phần biên giới. Trung tuần tháng 9-1950, Bác Hồ lên đường ra mặt trận để lãnh đạo chiến dịch. Các chiến trường trên cả nước đồng loạt phối hợp: ở đồng bằng Bắc bộ, Bình Trị Thiên, Liên khu 5 và Nam bộ đẩy mạnh diệt địch, phá tề. Thu Đông 1950 ta diệt và bắt sống hơn 4.500 tên địch, trong đó có 3 tên quan năm. Trận ấy đã làm cả nước Pháp xôn xao. Các báo Pháp đã nói: Đó là thất bại to nhất trong lịch sử nước Pháp.

Và cuối cùng kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, như trong bài “Mẩu chuyện về Điện Biên Phủ” của Bác Hồ với bút danh ĐX đã viết: “Điện Biên Phủ là một thất bại đau đớn cho thực dân Pháp, cũng là một thất bại nhục nhã cho bọn can thiệp Mỹ. Vì Mỹ đã định ra kế hoạch Nava, đã giúp tiền bạc và vũ khí để thực hiện kế hoạch ấy. Ta tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 binh sĩ Pháp. Chúng mất 25 tiểu đoàn tinh nhuệ nhất, gần 20 tên quan năm và một tên thiếu tướng. Thực dân Pháp thì trách Mỹ không hết sức, không kịp thời cứu vãn. Đế quốc Mỹ thì trách Pháp hèn hạ, bất tài. Nội bộ chính phủ Pháp lục đục, tên này đổ lỗi cho tên kia. Bại tướng Nava bị cách chức”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc đối phương phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Theo đó, nền độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được công nhận, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đấu tranh để thống nhất đất nước.

Đỉnh cao của ý chí chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc là “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “toàn cả dân” tiến lên tiến hành cuộc Tổng chiến dịch Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn mong muốn của Bác Hồ và làm sáng ngời hiện thực của chân lý giành độc lập tự do cho nước, cho dân.

Hôm nay, chúng ta đã vào cuộc trường chinh xây dựng đất nước với hành trang mà Người đã mang lại “toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Ta ngẩng cao đầu, lòng tràn đầy tự hào và tình cảm kính yêu không có gì quý hơn độc lập, tự do và không có gì quý hơn Người mang lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Ta vững tin vào “thà hy sinh chứ không chịu làm nô lệ” để dẫn dắt chúng ta đánh thắng những tên giặc ngoại xâm, thì giờ đây sẽ lại dẫn dắt chúng ta phát huy truyền thống đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, kiên quyết giữ vững chủ quyền đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác với tất cả các nước; lại dẫn dắt chúng ta đánh thắng “giặc nội xâm”, “giặc quốc nạn”, “giặc trong lòng” - loại giặc ở một bộ phận người có chức, có quyền biến chất đã, đang làm mất giá trị truyền thống của độc lập, tự do mà các thế hệ trước đã đưa lại. Lời kêu gọi của Bác cứu nước, cứu dân còn mãi mãi dẫn dắt cho cuộc hành trình của mỗi người chúng ta, còn mãi mãi với đất nước ngày đang đổi mới, còn mãi mãi với ngày mai rực rỡ của dân tộc.

Tiến sĩ TRẦN VIẾT HOÀN

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top