Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016)

Toàn quốc kháng chiến – Bản hùng ca ngời sáng ý chí Việt Nam

08:58 - Thứ Hai, 19/12/2016 Lượt xem: 3181 In bài viết
ĐBP - Cách đây 70 năm, vào đêm 19/12/1946, với ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

Sự kiện Toàn quốc kháng chiến khẳng định ý chí bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và để lại nhiều bài học quý giá.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, một thành tựu vĩ đại của chặng đường đấu tranh đầy hy sinh và anh dũng của dân tộc. Tuy nhiên, thực dân Pháp không dễ từ bỏ miền thuộc địa màu mỡ, rắp tâm quay trở lại cai trị nước ta. Ngày 23/9/1945, Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn chính thức mở màn cho cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam và Đông Dương. Trong khi đó, Nhà nước cách mạng non trẻ đang đứng trước vô vàn thử thách, chính quyền chưa được củng cố vững chắc, thù trong giặc ngoài nhiều hơn bao giờ hết…

Trước tình thế đó, bằng con đường ngoại giao, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức tìm kiếm giải pháp nhằm giữ độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước. Chúng ta đã nhân nhượng ký Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946).

Tuy vậy, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã bội ước. Ngày 20/11/1946, lấy cớ bảo vệ Hoa kiều và thực hiện quan thuế liên bang, chúng phong tỏa cảng Hải Phòng. Cùng ngày, viện cớ đi tìm hài cốt binh lính Pháp bị Nhật giết hại trước đây, thực dân Pháp cho xe tăng thị uy rồi nổ súng đánh chiếm Lạng Sơn. Tại Hà Nội, chúng phân phát vũ khí cho khoảng 7.000 Pháp kiều, lập thêm nhiều ổ tác chiến quanh khu vực đóng quân; cho xe tăng, xe bọc thép tràn ra các đường phố, cho binh lính xé cờ đỏ sao vàng, tấn công vào công an ta, bắn vào tàu điện,… hành động leo thang của Pháp làm cho tình hình hết sức căng thẳng.

Sớm nhận biết “không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình nhất định phải đánh Pháp”, cho nên Đảng ta không ảo tưởng vào các văn bản mà Pháp đã ký kết, mà khẳng định: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, vẫn sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc ấy và nhất định không để đàm phán với Pháp làm nhụt ý tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”.

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đàm phán với Pháp nhằm để kéo dài thời gian chuẩn bị, tạo thế, tạo lực cho cuộc kháng chiến. Do vậy, Đảng không phát động cuộc kháng chiến ngay từ tháng 9-1945, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Nam Bộ, mà vừa chỉ đạo kháng chiến ở miền Nam, vừa củng cố thực lực. Bởi lẽ lúc này, kẻ thù bao vây tứ phía, âm mưu bóp chết chính quyền cách mạng “non trẻ”, phát động toàn quốc kháng chiến sẽ rơi vào tình thế cực kỳ bất lợi, nếu không muốn nói là “tự sát”, sẽ khó khăn cho ta trong việc giữ vững chính quyền – “vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng”.

Để có thực lực cho cuộc kháng chiến của cả nước, vấn đề đặt lên hàng đầu là củng cố chính quyền từ Trung ương tới địa phương, tổ chức tổng tuyển cử, lập Quốc hội, vừa tạo cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền dân tộc trước thế giới; phát huy hiệu lực của chính quyền trong chuẩn bị chiến tranh, bài trừ nội phản, chống giặc đói, giặc dốt, cải thiện sức dân…

Song song với việc chỉ đạo Nam Bộ kháng chiến và tổ chức phong trào cả nước hướng về Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ra sức chuẩn bị về tư tưởng, đường lối, tổ chức, lực lượng cũng như xây dựng quyết tâm kháng chiến cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân… Cuối tháng 12-1946, Đảng chủ trương phát động Toàn quốc kháng chiến, khi đã tạo nên những thuận lợi cơ bản: Sau gần 16 tháng lực lượng cách mạng đã được chuẩn bị mọi mặt cả về vật chất và tinh thần, Đảng đã trưởng thành một bước trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng; đội ngũ đảng viên được tăng cường, chính quyền cách mạng ngày càng được củng cố vững mạnh; lực lượng vũ trang có bước phát triển mới, có thêm kinh nghiệm chiến đấu từ Nam Bộ kháng chiến. Đặc biệt là chúng ta đã xây dựng quyết tâm chiến đấu và niềm tin tất thắng trong nhân dân. Đây là động lực to lớn để thúc đẩy cách mạng phát triển; là nhân tố tiên quyết đảm bảo cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”.

Trong khi ta ráo riết chuẩn bị thế và lực, thì khi thực dân Pháp ngày càng lấn tới, lộ rõ âm mưu dùng sức mạnh quân sự tái chiếm nước ta. Dân tộc Việt Nam bị đặt trước hai con đường: Một là, chịu khoanh tay cúi đầu làm nô lệ cho thực dân Pháp. Hai là, đoàn kết đấu tranh đến cùng để bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được. Lịch sử đòi hỏi, Đảng ta đã phát động Toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946 - một quyết định đúng thời cơ. Đảng không phát động sớm hơn, bởi như thế chúng ta tự rút ngắn thời gian chuẩn bị, trong khi chưa chuẩn bị được là bao.

Cũng không thể muộn hơn, bởi khi đó Pháp đã có quân tăng viện, cuộc chiến đấu sẽ có nhiều khó khăn hơn. Đồng thời trong tình thế quân địch đã có lực lượng ở Thủ đô, có ưu thế tuyệt đối về lực lượng và phương tiện, lại đóng xen kẽ với ta, nếu để cho kẻ thù đánh trước, lực lượng ta sẽ bị tổn thất, thậm chí chúng có thể vây bắt cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến. Trên thực tế, Pháp đã gửi tối hậu thư, đòi tước khí giới của ta, đòi quyền giữ trật tự trị an, nếu không sẽ hành động. Và hơn nữa, “nín nhịn đã nung nấu trong lòng dân tộc ta biết bao uất hận, nổ thành sức mạnh xung thiên” cho toàn dân bước vào cuộc kháng chiến với niềm tin tất thắng, với tinh thần “Cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh”…

Trên cơ sở sớm phát hiện kẻ thù chủ yếu và nguy cơ chiến tranh, chủ động chuẩn bị, lại nhạy bén phát hiện tình hình, nhận định đúng thời cơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định phát động Toàn quốc kháng chiến, chủ động nổ súng đánh trước vào đêm 19/12/1946 ở Thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố, thị xã khác. Đó là cả một vấn đề mang tính nghệ thuật. Đảng đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện và chủ động để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, tạo nên tiền đề quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn Việt Nam, kế thừa và phát triển truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha để tìm ra lời giải chính xác cho câu hỏi bức thiết của lịch sử. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến với phương châm lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Đường lối đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, nhờ vậy mà ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Đó là “một trong những đường lối chiến đấu hoàn hảo nhất của thời đại chúng ta”.

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đến ngày Người ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là khoảng thời gian vô cùng quan trọng của lịch sử nước nhà… Những đối sách linh hoạt, những chủ trương, biện pháp sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đối phó với kẻ thù, xây dựng chế độ mới và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thể hiện bản lĩnh, trí tuệ thiên tài, nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và mãi là những bài học vô giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay…

Thiếu tướng, PGS, TS  Nguyễn Văn Bạo

(Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Bình luận
Back To Top