Điện Biên Phủ, đô thị “hạt nhân” vùng Tây Bắc

08:59 - Thứ Năm, 13/04/2017 Lượt xem: 8844 In bài viết
ĐBP - Trong dư âm Lễ hội Hoa ban lần thứ tư và kỷ niệm 25 năm thành phố (TP) Điện Biên Phủ ra đời, đặc biệt trong cảm xúc dạt dào kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, bạn sẽ thấy một Điện Biên Phủ dài rộng về không gian - một TP. mang trong mình những câu chuyện lịch sử, cả những “huyền thoại” được làm nên bởi những con người của thời đại mới. 25 năm - con số về thời gian càng thêm ý nghĩa và thuyết phục, khi bạn ung dung thả bộ dưới tán bằng lăng bên đường Võ Nguyên Giáp và tận mắt ngắm nhìn thành phố xứ Mường Trời...

Ngày tháng trôi nhanh thật, mới đó mà sắp 25 năm qua đi. Một phần tư thế kỷ là khoảng thời gian rất dài trong đời một con người, nhưng lại rất ngắn trong tiến trình hình thành và phát triển của một thành phố đi lên từ cơ sở hạ tầng của một thị trấn huyện lỵ. Thị xã Điện Biên Phủ (nay là TP. Điện Biên Phủ) được thành lập ngày 18/4/1992 theo Quyết định số 130/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), hiện là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh với diện tích tự nhiên gần 6.500ha, 9 đơn vị hành chính, dân số khoảng 60.000 người, gồm 14 dân tộc anh em.

 

Một góc TP. Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Anh Tuấn

Những ngày này, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Điện Biên Phủ phấn khởi chào đón sự kiện chính trị quan trọng: Kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017). Ngay từ những năm đầu mới thành lập thị xã, với việc xác định đúng và từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về thương mại, dịch vụ, du lịch, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó kinh tế thành phố phát triển nhanh, liên tục năm sau cao hơn năm trước. Trên con đường phát triển mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã nỗ lực phấn đấu đồng sức, đồng lòng, chung tay xây dựng TP. Điện Biên Phủ ngày một khang trang, giàu đẹp, văn minh. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị mới, TP. Điện Biên Phủ đã có nhiều cơ chế chính sách thông thoáng kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; tạo bước phát triển đáng kể về tăng trưởng kinh tế, dịch vụ, du lịch.

Dịp này, dù rất bận với việc triển khai nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, song đồng chí Phạm Khắc Quân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Điện Biên Phủ - vẫn dành cho mấy anh em báo chí gần hai tiếng gặp gỡ với những tâm sự trải lòng. Ông nói: “So với các bậc tiền nhiệm từng đảm đương vị trí lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, thì tôi thuộc thế hệ những người kế thừa và phát huy. Thành tựu và nhất là tấm lòng của các bác, các chú, các anh chị đi trước cho chúng tôi cơ hội học tập, rút ra những kinh nghiệm còn quý hơn vàng trong quá trình công tác”. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, để hoàn thành mục tiêu đạt đô thị loại II vào năm 2020, Đảng bộ TP. Điện Biên Phủ đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm phát triển mạnh mẽ, đồng bộ và bền vững. Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chức năng đô thị: Các cơ quan chức năng cùng nhân dân khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ. Muốn vậy phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ sau đầu tư để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực là thế mạnh của thành phố. Duy trì mức tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 15 - 16%, phát triển các làng bản văn hóa phục vụ khách tham quan du lịch.

Để nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, những năm qua, nhiều công trình giao thông đã được triển khai thực hiện. Trong đó, tiêu biểu là Dự án xây dựng tuyến đường đôi từ km 190 đến km 196 và cây cầu A1 kiên cố bắc qua sông Nậm Rốm thuộc quốc lộ 12 kéo dài, Dự án xây dựng được phê duyệt với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Cùng với các dự án hạ tầng giao thông, dự án tái định cư tại phường Noong Bua phục vụ công trình Thủy điện Sơn La cũng là một công trình ghi đậm dấu ấn trong khoảng thời gian hơn 10 năm từ khi thị xã nâng cấp lên thành phố. Theo Ban Quản lý dự án thành phố, Dự án tiến hành từ năm 2009, với tổng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng gồm xây dựng các công trình hạ tầng khu dân cư, hạ tầng giao thông, điện, nước... Dự án đã đầu tư xây mới chợ Noong Bua với diện tích 4.000m2; xây 2 trường mầm non Noong Bua, Khe Chít với tổng số 16 phòng học, đầu tư nâng cấp Trường Tiểu học Noong Bua; xây dựng 2 công viên cây xanh tổng diện tích 8.000m2...

 

Thành phố Điện Biên trong Lễ hội Hoa Ban.

Chia vui với báo chí về tương lai của thành phố, đồng chí Nguyễn Xuân Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ - cho biết: Theo Đề án “Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Điện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển ổn định, bền vững, gắn phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị - xã hội. Theo đấy, đến năm 2035 hệ thống đô thị của tỉnh Điện Biên được phân bố hợp lý, trong đó TP. Điện Biên Phủ có vai trò đô thị hạt nhân, là động lực phát triển của vùng; có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các đô thị khác trong tỉnh nói riêng và trên vùng Tây Bắc nói chung. Để đảm bảo tiêu chí về mật độ dân số, thành phố sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính; đầu tư xây dựng một số khu đô thị mới: Khu đô thị Nam Thanh Trường; khu nhà ở Tân Thanh; khu nhà ở Thanh Bình... nhằm thu hút, gia tăng dân số; duy trì tốc độ gia tăng dân số tự nhiên 11%o/năm. Phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng tiêu chí đô thị loại II, thành phố đã và đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm về giao thông như: Đường tránh quốc lộ 279; đường vành đai II kéo dài Noong Bua - Pú Tửu; đại lộ 60m; nâng cấp, mở rộng và bê tông nhựa các tuyến đường nội thị; lát gạch 100% vỉa hè đảm bảo mỹ quan; tiếp tục lắp đặt hệ thống đèn trang trí, đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu đường bộ và biển báo các điểm di tích lịch sử...

Ông Nguyễn Duy Tiến (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, hiện là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Điện Biên Phủ) tâm sự trong niềm “hoài cổ” bâng khuâng: Mảnh đất huyền thoại Mường Thanh từng được ví như Mường Trời nơi hạ giới mà mỗi tên mường, tên bản, tên suối, tên hồ... đều mang một truyền thuyết, ít nhất cũng một sự tích như một tác giả từng viết: “Từ thuở xa xưa, ngay cả những phìa tạo, chúa đất cũng sinh ra ở đấy, lớn lên ở đấy rồi tàn lụi cũng ở đấy”. Thế hệ những người gắn bó gần trọn cuộc đời với Mường Thanh - Điện Biên Phủ, hẳn ai cũng ít nhất một lần từng nghe ở đâu đó danh từ chung “phố cũ”. Phải, một cái tên dân dã, mộc mạc, không có trong bản đồ hành chính nhưng lại tồn tại trong ký ức nhiều người con TP. Điện Biên Phủ xưa kia cũng như hiện nay.

Rõ ràng trong tầm nhìn chiến lược 2010 - 2020, TP. Điện Biên Phủ đang đứng trước cơ hội thử sức mình bởi một đề án quy hoạch tổng thể trên diện tích hơn 14.000ha. Xin hãy hình dung một ngày không xa Cảng hàng không quốc gia Điện Biên Phủ sẽ nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế, các khách sạn 3 - 4 - 5 sao, rồi hệ thống các siêu thị, công trình văn hóa - thể thao - du lịch... Bên cạnh hàng trăm dự án đã và đang triển khai về xây dựng hạ tầng cơ sở thành phố, là danh sách các hạng mục trùng tu, tôn tạo quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ. Nào điện, nào đường, nào trường, nào trạm, cùng các cơ quan, nhà máy, cơ sở văn hoá, dịch vụ, phúc lợi xã hội... đã làm cuộc “cách tân” diện mạo và đó là điều đang diễn ra từng tháng, từng ngày trên thành phố thân yêu của chúng ta. Trên hành trình thực hiện các tua lữ hành tới những hang động kỳ thú, du khách sẽ được bổ dưỡng sức khoẻ bằng khoáng nóng Hua Pe và U Va; sẽ gặp khu di tích Mường Phăng với  “hầm Đại tướng” và “đồi chỉ huy”, để nhớ về những ngày cả nước hành quân lên Điện Biên, cả dân tộc góp công góp của cho Điện Biên...

TP. Điện Biên Phủ, tháng 4/2017

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top