Kỷ niệm 25 năm Thành lập Thị xã, nay là TP. Điện Biên Phủ (18/4/1992 - 18/4/2017)

Tập trung mọi nguồn lực xây dựng, phát triển TP. Điện Biên Phủ thành đô thị loại II

08:42 - Thứ Hai, 17/04/2017 Lượt xem: 8262 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/Th.U, ngày 15/4/2016 của Thành ủy Điện Biên Phủ về xây dựng và phát triển thành phố Điện Biên Phủ thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Điện Biên, thời gian qua UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng và phát triển thành phố đạt tiêu chí đô thị loại II, đạt các tiêu chuẩn về: Chức năng đô thị; quy mô dân số; mật độ dân số nội thành; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; hạ tầng đô thị; kiến trúc và cảnh quan đô thị…

Năm 1992 thị xã Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Điện Biên. Thị xã có diện tích tự nhiên 50,96km2, dân số 1,7 vạn người gồm 13 dân tộc chung sống. Khi mới thành lập, xuất phát điểm kinh tế của thị xã rất thấp, cơ cấu kinh tế thuần nông, sản xuất tự phát, phân tán nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 50 - 70 USD/năm, đời sống của nhân dân các dân tộc còn rất khó khăn, hộ nghèo chiếm trên 50% dân số. Thu ngân sách năm 1992 đạt 200 triệu đồng. Năm 2003 thị xã Điện Biên Phủ được Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận là đô thị loại III, cùng thời điểm này, Chính phủ ra Nghị định số 110/2003/NĐ-CP, ngày 26/9/2003 về thành lập thành phố Điện Biên Phủ với diện tích 64,27km2, dân số 7,3 vạn người, gồm 9 đơn vị hành chính (7 phường và 2 xã).

 

Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ Nguyễn Đức Đuyện (ngoài cùng bên trái) kiểm tra sơ đồ khu đất thu hồi xây dựng khu tái định cư hạ tầng kỹ thuật khung và đường 60m, phường Noong Bua, T.P Điện Biên Phủ. Ảnh: P.V

Sau 25 năm thành lập, xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, thành phố Điện Biên Phủ đã và đang nỗ lực vươn lên bằng sự chủ động, sáng tạo và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, đặc biệt là trên lĩnh vực phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tăng trưởng kinh tế (giai đoạn 2010 - 2015) bình quân đạt 14,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn đạt 220 tỷ đồng; GDP bình quân đạt 3.714 USD/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,5%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 80%. Cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, cơ sở hạ tầng thành phố được đầu tư 4.300 tỷ đồng (tăng 2 lần so với giai đoạn 2005 - 2010). Đến nay, thành phố đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; hoàn thành Đề án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Lập và triển khai thực hiện 7 đề án quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu, gồm: Khu đa chức năng dọc trục đường 60m; khu trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thuộc khu đô thị mới phía Đông thành phố; khu trung tâm hiện hữu thành phố; khu trung tâm hành chính, chính trị tỉnh; quy hoạch chi tiết hạ tầng khu đô thị Nam Thanh Trường; khu nhà ở Tân Thanh, Thanh Bình. Trên địa bàn thành phố đã được các nhà đầu tư triển khai thực hiện 24 dự án với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện tốt công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị theo quy hoạch, bám sát định hướng phát triển đô thị, phát triển không gian đô thị hợp lý, kết hợp với việc bảo vệ các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và định hướng mở rộng đô thị. Tập trung đầu tư xây dựng và cơ bản hoàn thành Khu tái định cư Thuỷ điện Sơn La tại phường Noong Bua. Mạng lưới giao thông đô thị phát triển nhanh, khá đồng bộ. Hiện nay, thành phố có 134km đường; trong đó đường nhựa và bê tông xi măng chiếm 73,68%; 70,2km đường giao thông chính rộng trên 11,5m. Xây dựng mới trên 37km đường ống cấp nước; nâng công suất nhà máy nước lên 16.000m3/ngày đêm. Đến nay, 100% dân số nội thành được dùng nước sạch, mức tiêu thụ bình quân 150 lít/người/ngày đêm; 100% dân số được dùng điện; 100% đường phố chính và 90% đường vào các tổ dân phố được chiếu sáng, mức tiêu thụ điện bình quân khu vực nội thành đạt 850Kwh/người/năm. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh, mạng cáp nội hạt được xây dựng đến trung tâm các xã, phường. Các cơ sở đào tạo được đầu tư mở rộng quy mô; mạng lưới trường học tiếp tục được đầu tư khang trang; các cơ sở y tế được quan tâm, nâng cấp. Một số chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn được quy hoạch và xây dựng hiện đại, như các khách sạn: Him Lam, Mường Thanh, A1; Trung tâm Thương mại Him Lam Plaza, Siêu thị Hoa Ba… cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, kinh doanh của nhân dân, doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 02 của Thành ủy, UBND thành phố đã làm tốt công tác xây dựng và quản lý đô thị, huy động tối đa các nguồn vốn để phát triển thành phố; đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với quy hoạch chung, từng bước xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc; đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020 với số điểm tối thiểu 81/100 điểm. Trong đó, chức năng đô thị đạt 12,1/15 điểm; quy mô dân số đạt 3,6/10 điểm;mật độ dân số nội thành đạt 3,5/5 điểm; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 3,5/5 điểm; hệ thống công trình hạ tầng đô thị đạt 49,2/55 điểm; kiến trúc cảnh quan đô thị đạt 9,1/10 điểm... Trong 6 tiêu chí cơ bản để thành phố đạt chuẩn đô thị loại II, thì tiêu chí khó đạt nhất là tiêu chí về quy mô dân số. Hiện nay thành phố mới có 73.000 dân (kể cả dân số quy đổi), trong khi quy mô dân số đô thị loại II, áp dụng cho khu vực miền núi là 120.000 dân. Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tiêu chí về quy mô dân số, UBND thành phố đã đề xuất với tỉnh báo cáo Trung ương mở rộng địa giới hành chính thành phố theo hướng sáp nhập các xã: Mường Phăng, Pá Khoang, Thanh Nưa, Thanh Xương, Thanh Luông, Thanh An thuộc huyện Điện Biên về thành phố Điện Biên Phủ.

Trong thời gian tới, thành phố đẩy mạnh các giải pháp duy trì mức tăng trưởng kinh tế từ 11 - 12%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 2,3 lần so với bình quân chung của cả nước, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 420 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%; phát triển kinh tế vùng trung tâm theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch; triển khai đầu tư xây dựng quy hoạch khu đô thị mới để thu hút dân cư. Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, nhà hàng, cơ sở dịch vụ; từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thu hút nguồn lực lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung Khu Trung tâm hành chính, chính trị tỉnh; khu chức năng dọc trục đường 60m, thuộc khu đô thị mới phía đông thành phố. Triển khai và hoàn thiện dự án các khu tái định cư, khu dân cư đô thị: Khe Chít 1 và 2; điểm tái định cư đường Hoàng Văn Thái đến ngã tư Khe Chít; khu tái định cư Him Lam; Khu tái định cư Chương trình phát triển đô thị miền núi phía Bắc. Hoàn thiện các tuyến đường đang được triển khai bằng nguồn vốn tái định cư Thuỷ điện Sơn La: Từ ngã ba Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến ngã tư Tà Lèng; đường Hoàng Văn Thái - điểm tái định cư Khe Chít; đường tránh quốc lộ 279 nối với khu tái định cư Noong Bua. Thành phố cũng tích cực phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh xây dựng chợ đầu mối nông sản, thực phẩm; xây dựng bến xe liên tỉnh tại xã Thanh Minh và bến xe khách tại phường Thanh Trường theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt; hoàn thiện đầu tư xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn II; tiếp tục trùng tu tôn tạo di tích lịch sử Điện Biên Phủ... phấn đấu đến năm 2020, thành phố Điện Biên Phủ hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Nguyễn Đức Đuyện

Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ

Bình luận
Back To Top