Hiệu quả bước đầu từ việc luân chuyển cán bộ ở huyện Điện Biên

08:49 - Thứ Tư, 10/05/2017 Lượt xem: 6383 In bài viết
ĐBP - Từng giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng Huyện ủy Điện Biên, tháng 7/2014 đồng chí Đặng Quốc Hương được luân chuyển giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Hưng. Bằng khả năng và nhiệt huyết của mình, đồng chí Đặng Quốc Hương không ngừng nỗ lực phấn đấu cùng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy xã lãnh đạo, chỉ đạo và vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, giúp đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc.

Đến 9/2015, đồng chí được luân chuyển giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Nà Tấu. Bám sát chỉ đạo, định hướng của huyện, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo xã xây dựng kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của xã theo từng năm và cho cả nhiệm kỳ. “Xốc” lại tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công chức xã; Đảng ủy đã phân công gắn trách nhiệm cho từng đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng ủy bám cơ sở, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của xã được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo đến đầu năm 2017 giảm xuống còn 38,5% (giảm hơn 2% so với năm 2015); đạt 8 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới... Đồng chí Đặng Quốc Hương, Bí thư Đảng ủy xã Nà Tấu cho biết: Thực tiễn ở địa phương là môi trường thử thách, tôi luyện về bản lĩnh chính trị, công tác lãnh đạo, quản lý và cuộc sống đối với những cán bộ được luân chuyển như chúng tôi. Về cơ sở là điều kiện giúp tôi được gần dân, sát dân và hiểu dân hơn.

 

Công tác luân chuyển, điều động cán bộ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Điện Biên.

Với đồng chí Nông Quang Thắng, từng giữ cương vị Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Điện Biên, luân chuyển giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Pom Lót vào tháng 7/2014. Trên cương vị mới, đồng chí quan tâm chấn chỉnh nề nếp sinh hoạt, làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức xã; phân cấp quản lý rõ ràng, làm việc theo đúng quy trình, quy định của pháp luật; các văn bản, giấy tờ được thực hiện, lưu giữ khoa học, cẩn thận. Đồng thời, trong thời gian công tác tại xã, đồng chí cũng đã xây dựng đội ngũ kế cận có đủ năng lực, trình độ để chỉ đạo điều hành cơ sở. Hiện nay, đồng chí Nông Quang Thắng đang giữ cương vị Chánh Văn phòng UBND huyện.

Thông qua công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người ở địa phương, huyện Điện Biên thực hiện bước đầu có hiệu quả, tạo đột phá trong công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ được cải thiện rõ rệt. Hoạt động ở cơ sở đi vào nề nếp, công việc được thực hiện khoa học và hiệu quả hơn. Tại nơi có cán bộ luân chuyển đã đổi mới tác phong, lề lối làm việc, tăng cường đoàn kết nội bộ, phát hiện và giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập ở cơ sở; khắc phục tình trạng đi muộn về sớm. Việc cải cách hành chính, ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức cấp xã cũng được cải thiện...

Trao đổi với chúng tôi về công tác luân chuyển cán bộ, đồng chí Bùi Xuân Trường, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Điện Biên cho biết: Công tác luân chuyển cán bộ phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy; có sự thống nhất giữa cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan tham mưu với người được luân chuyển. Tùy theo từng vị trí luân chuyển mà lựa chọn đúng người, đúng thời điểm; đồng thời, phải có quan điểm, phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ một cách khoa học, công tâm… Có như vậy, công tác cán bộ mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương, ở cấp huyện, cấp xã đã khắc phục hiện tượng bè phái, cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, góp phần đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng và dự nguồn quy hoạch cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ; ngăn ngừa lạm dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân; nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ. Đa số cán bộ được luân chuyển đều thể hiện được năng lực, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong công tác; có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn nên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ; một số cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sau luân chuyển được đề bạt, bổ nhiệm ở các vị trí cao hơn. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn huyện đã luân chuyển 18 cán bộ, trong đó, 7 cán bộ huyện được luân chuyển về giữ các chức vụ chủ chốt ở xã; 11 cán bộ huyện được điều động từ ngành này sang ngành khác.

Tuy đạt được những kết quả tích cực, song công tác luân chuyển cán bộ ở huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Một số ít cấp ủy, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, ủng hộ việc luân chuyển cán bộ và việc bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Cán bộ thuộc diện luân chuyển chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ ở các lĩnh vực công tác, như: quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng... thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên trong quá trình công tác còn nhiều lúng túng. Một số cán bộ được luân chuyển công tác còn ngần ngại, băn khoăn, lo lắng về thời gian luân chuyển và việc quy hoạch, bố trí sắp xếp sau điều động, luân chuyển. Chính vì vậy, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá đúng kết quả của công tác luân chuyển cán bộ. Tạo điều kiện giúp cán bộ vượt qua những khó khăn trong công tác (nhất là thời gian đầu), tạo mối quan hệ đoàn kết thống nhất giữa cán bộ được luân chuyển đến với cán bộ sở tại...

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top