Nhớ mãi hai lần gặp Bác

10:59 - Thứ Năm, 11/05/2017 Lượt xem: 6998 In bài viết
ĐBP - “Những lần được gặp Bác Hồ là những ký ức không bao giờ tôi quên được. Những lời dạy của Bác đã giúp tôi, giúp dân tộc Hà Nhì có cuộc sống như ngày hôm nay…”- đó là tâm sự của bà Chu Chà Me, người phụ nữ Hà Nhì đầu tiên rời quê hương Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) để đi tìm con chữ và cũng là người Hà Nhì đầu tiên vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ.


Bà Chu Chà Me ôn lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ.

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm đến nơi bà Chu Chà Me đang sống. Đó là một ngôi nhà nhỏ nằm khép mình bên bờ kênh tả Him Lam, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ). Giản dị trong bộ trang phục truyền thống, bà Me như trẻ lại khi kể về kỷ niệm những lần được gặp Bác. Ký ức về những ngày tháng vinh dự và tự hào ấy cứ lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi qua lời kể đầy xúc cảm của bà. Đầu năm 1959, được sự động viên của các cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, cô gái Chu Chà Me rời vùng ngã ba biên với quyết tâm đem cái chữ Bác Hồ để về xây dựng quê hương. Bấy giờ đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Từ xã về huyện, rồi từ huyện về tỉnh là chuỗi những ngày đi bộ xuyên rừng vượt núi. Nhưng khát khao với con chữ đã tiếp thêm động lực cho bà về học tại Trường Dân tộc khu tự trị Thái Mèo (sau này đổi tên thành Trường Dân tộc khu tự trị Tây Bắc). Một ngày đầu tháng 5/1959, khi bà cùng các bạn trong lớp đang dọn vệ sinh, treo khẩu hiệu cùng toàn khu Tây Bắc nô nức mừng ngày giải phóng Điện Biên Phủ thì có 2 chiếc xe đến nhà hiệu bộ để đón học sinh đi gặp Bác Hồ và bà là một trong số những học sinh có vinh dự đó. Khi nghe tin, bà không giấu nổi niềm vui: Ai nấy đều khoác lên mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, hồ hởi đi về Ủy ban Khu tự trị. Gặp Bác, mấy chị dân tộc Thái hô to “Páu Hồ xem pi” (Bác Hồ muôn năm), mọi người còn lại cũng đồng thanh hô “Bác Hồ muôn năm”... Chờ cho phút giây xúc động trôi qua, Bác ân cần hỏi thăm từng người, đến lượt bà Bác dặn: Cháu còn trẻ, tương lai còn ở phía trước. Cháu cố gắng học tập cho tốt và phải học thêm nữa. Các thanh, thiếu nhi dân tộc Hà Nhì cũng phải đi học, có văn hóa mới làm chủ được quê hương mình. Nghe lời dặn dò ân cần của Bác, bà vô cùng xúc động và tự hứa với bản thân học xong sẽ trở về quê hương động viên các em, các cháu mình đi học. Càng xúc động hơn khi sau buổi gặp mặt, bà được vinh dự chụp ảnh cùng Bác. Tấm hình lưu niệm đó ngày nay vẫn được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà bà… Hoàn thành chương trình học trở về quê hương công tác, nghe tin bà được gặp Bác, mọi người đều hỏi: Chà Me được gặp Bác Hồ thật à? Thế Bác Hồ có dặn gì dân tộc Hà Nhì mình không? Bà trả lời: Có đấy. Bác Hồ dặn phải cho con em dân tộc mình đi học lấy cái chữ để về xây dựng quê hương. Nghe vậy ai nấy cũng đều đồng tình: Đúng rồi! Chúng mình bây giờ già rồi, cái chân như ngọn cỏ héo, cái đầu không nhớ được nữa thì phải cho con cháu đi học thôi…

Trở về quê hương, bà Chu Chà Me nhận công tác tại Huyện đoàn Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ). Dù đi học hay làm công tác xã hội, bà luôn nhớ lời Bác dạy, không ngừng tự học, vươn lên để xây dựng quê hương. Chính những hoạt động sôi nổi khi làm công tác đoàn mà bà một lần nữa có vinh dự được gặp Bác ngay tại Thủ đô Hà Nội. Bà Me xúc động nhớ lại: Năm 1960, bà là một trong 75 phụ nữ tiêu biểu của Tây Bắc về Thủ đô Hà Nội dự Quốc khánh 2/9. Trước nguyện vọng thiết tha của cán bộ, hội viên Đoàn phụ nữ Việt Bắc và Tây Bắc, 8 giờ sáng ngày 4/9, Bác Hồ tới thăm chị em ở nhà khách của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong hàng trăm phụ nữ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Bác Hồ vẫn nhận ra bà là Chu Chà Me - người phụ nữ Hà Nhì đầu tiên dũng cảm rời ngã ba biên giới để đi tìm con chữ. Bác tiến lại gần bà và hỏi: “Cháu Chà Me à! Cháu đã học lớp mấy rồi? Cháu về quê thấy thanh, thiếu niên dân tộc Hà Nhì đã đi học nhiều chưa? Rồi Bác khen bà có tiến bộ, nhưng vẫn cần nâng cao trình độ văn hóa thì mới đóng góp cho dân tộc mình, cho xã hội tốt được… Bất ngờ xen lẫn xúc động, bà không thể ngờ rằng vị lãnh tụ của dân tộc bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn nhớ tới bà, vẫn quan tâm tới việc học của những người Hà Nhì ở miền biên viễn… Ngưng một lát như để hoài niệm về phút giây ấy, bà Me tiếp lời: Cũng trong buổi gặp gỡ, Bác dặn chị em dân tộc thiểu số phải tự cố gắng phấn đấu vươn lên, cố gắng học tập, nâng cao trình độ văn hóa để rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ. Nam giới có kỹ sư, bác sỹ thì nữ giới cũng phải có kỹ sư, bác sỹ thì mới bình đẳng được.

Cho đến ngày hôm nay, từng câu từng chữ Bác dặn năm nào vẫn khắc sâu trong tâm trí của bà và đó cũng chính là nguồn động viên, khích lệ cho bà tiếp tục vượt qua gian khó “cõng” từng con chữ lên ngàn. Từ một cô gái 17 tuổi mới học hết lớp 2 bà quyết tâm học lên trung cấp, rồi học tiếp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Trở về địa phương công tác, bà cũng không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Bây giờ tuổi đã cao nhưng hàng ngày bà vẫn không bỏ thói quen đọc sách, báo… Noi theo gương của bà, hàng trăm con em dân tộc Hà Nhì cũng đã nỗ lực học tập, vươn lên trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, tham gia vào nhiều vị trí quan trọng trong cấp ủy, chính quyền và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của địa phương.

Bài, ảnh: Sơn Nam
Bình luận
Back To Top