Một sự hướng thiện thiêng liêng

11:01 - Thứ Năm, 11/05/2017 Lượt xem: 5775 In bài viết
ĐBP - Những ngày này, khi mà lễ kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang dần trôi qua thì khắp nơi trong tỉnh lại dấy lên không khí của Hội nghị Biểu dương già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu các dân tộc lần thứ V, năm 2017. Điều thú vị nữa là Hội nghị lần này diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 127 sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2017). Đây được xem là dịp để Hội nghị báo công lên Bác, về những thành tích mà đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu đã và đang thực hiện tại các địa bàn trong tỉnh...

Theo tin từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh (MTTQ), hiện nay, toàn tỉnh có 1.496 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín (sau đây xin gọi chung là người có uy tín - NCUT) trong cộng đồng dân cư các dân tộc. Trong đó có 1.037 người có uy tín, 355 già làng và 104 trưởng dòng họ. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, những năm qua cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc, trong đó có các vị GL, TDH, NCUT đã phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhờ đó nhịp độ phát triển kinh tế của tỉnh duy trì ở mức tăng trưởng khá, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cải thiện tích cực, các chương trình an sinh xã hội được quan tâm, văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều đổi thay. Khối đại đoàn kết các dân tộc được mở rộng, huy động được sức mạnh toàn dân vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo sự phát triển toàn diện về kinh tế cũng như các mặt của đời sống xã hội. Hoạt động của NCUT được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành, MTTQ và các đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện, thường xuyên chăm lo về đời sống vật chất cũng như tinh thần...

 

Một buổi sinh hoạt nhóm hộ do người có uy tín tổ chức tại bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Ảnh: P.V

Chiều 8/5, chúng tôi tới trụ sở cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh và có buổi làm việc với một số đồng chí phụ trách các đơn vị chuyên môn. Nói về vai trò của NCUT trong tỉnh, bà Hà Thị Thu Hương lập luận theo đúng tư duy của một Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật. Theo bà Hà Thị Thu Hương, hầu hết NCUT trong tỉnh sống và làm việc tại các địa bàn vùng sâu, biên giới và nhất là vùng có đa số đồng bào dân tộc. Tại đây, dù muốn hay không thì có một thực tế là trình độ dân trí không đồng đều, người dân dễ bị kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền tín ngưỡng trái phép, xuyên tạc các chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mà đỉnh điểm là vụ tụ tập trái phép của hàng nghìn người tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé hồi tháng 5/2011. Qua sự việc này, chúng ta thấy vai trò của NCUT tại các địa bàn dân cư vùng sâu, biên giới là vô cùng quan trọng, được xem như một “kênh” thông tin thiết thực nhất, nhanh nhất và độ tin cậy cũng cao nhất; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như các ngành chức năng kịp thời có các biện pháp xử lý tình hình. 

Bà Lò Thị Thúy Hà - Phó ban Dân tộc và Tôn giáo - cho biết: Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng về bình đẳng các tôn giáo, tín ngưỡng, trên địa bàn tỉnh nói chung và và địa bàn vùng sâu, vùng xa nói riêng, hoạt động tôn giáo diễn ra với một tinh thần vui vẻ và thoải mái trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Ví dụ mới đây nhất là Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ II (nhiệm kỳ 2017 - 2022) được tổ chức ngay tại thành phố Điện Biên Phủ (19/3/2017); đặc biệt là tối 6/5/2017, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2561 (dương lịch 2017) do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Điện Biên tổ chức. Thông tin từ bà Lò Thị Thúy Hà, cho biết: Với trách nhiệm, hiểu biết và uy tín của mình, NCUT tại các địa bàn dân cư vùng sâu, biên giới và vùng đồng bào dân tộc không chỉ nêu gương mà còn tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng đắn thế nào là sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, đúng pháp luật và không bị các đối tượng xấu lợi dụng vào các mục đích “phi tôn giáo” khác; đồng thời theo đúng đường hướng: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Ông Mào Văn Ún (A) (ngoài cùng bên phải), người có uy tín bản Mường Nhé, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân trong bản. Ảnh: Mai Giáp

Những năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã phát huy vai trò của các vị NCUT ở khu dân cư để thực hiện tốt việc tuyên truyền vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái. Kết quả là trên địa bàn tỉnh, ngày càng có nhiều gia đình, dòng họ đi vào hoạt động có nề nếp, hàng năm xây dựng các quy định, quy ước. Thông qua các buổi sinh hoạt, NCUT đã tuyên truyền, vận động nhân dân với các nội dung trọng tâm về việc xây dựng đời sống văn hóa, cụ thể như: vận động con cháu xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan... Vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao ở các xã phường, thị trấn tăng dần hàng năm, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sôi nổi rộng khắp, ở các khu dân cư đều thành lập đội văn nghệ, ở một số nơi, phát huy tốt vai trò của các vị nghệ nhân có uy tín truyền dạy cho các thế hệ trẻ các tiết mục ca, múa, nhạc và biểu diễn nhạc cụ dân tộc... mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Biểu diễn vào các dịp lễ, tết đặc biệt là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Các hoạt động văn nghệ quần chúng góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, các vị NCUT tích cực vận động con, cháu trong dòng họ, con em ở khu dân cư về lòng yêu quê hương, đất nước; truyền thống đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm; sống có đạo đức, nhân cách tốt, có ích cho gia đình và cho xã hội; xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; vận động con, cháu trong độ tuổi đến trường đi học đầy đủ; khuyến khích, động viên, giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường. Hầu hết gia đình của các vị đã đóng góp tích cực vào công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”...

 Được biết, xuyên suốt nội dung Hội nghị, chủ đề đoàn kết - dựng xây là tư tưởng chính được mọi người đặc biệt quan tâm như một sự hướng thiện thiêng liêng, trực tiếp hoặc gián tiếp khơi dậy phẩm chất Điện Biên Phủ anh hùng trong thẳm sâu tâm can, ý nguyện của đồng bào các dân tộc. Điều đó hơn một lần thể hiện phong trào thi đua ái quốc, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra. Hội nghị lần này là sự kiện chính trị xã hội quan trọng và mang nhiều ý nghĩa trong đời sống cộng đồng các dân tộc, nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc - nông thôn do hệ thống MTTQ chủ trương; khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc - nông thôn với vai trò của NCUT. Đồng thời là dịp tôn vinh, biểu dương những công lao đóng góp to lớn của NCUT các dân tộc trong lịch sử hình thành và phát triển hơn một thế kỷ của tỉnh Điện Biên, nhất là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như thời kỳ hơn 30 năm đổi mới đất nước, đồng bào các dân tộc Điện Biên luôn đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ mà trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền và cơ quan MTTQ các cấp tỉnh Điện Biên...

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top