Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện CCHC

08:53 - Thứ Tư, 24/05/2017 Lượt xem: 7849 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế đó đã được Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh “nhận diện” tại hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng CCHC do UBND tỉnh tổ chức ngày 20/10/2016, đó là: Một số ngành, địa phương chưa nêu cao được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện CCHC; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ của cán bộ, công chức trong thực hiện CCHC có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu...

Chỉ số PAR INDEX luôn đạt thấp 

Những năm gần đây, vị trí thứ hạng PAR INDEX tỉnh ta luôn nằm nhóm cuối bảng. (Chỉ số PAR INDEX được đánh giá trên cơ sở điều tra xã hội học và các bộ, ngành, địa phương tự chấm điểm về CCHC ở 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí đối với cấp bộ, cơ quan ngang bộ; 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí, 104 tiêu chí thành phần đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lấy kết quả bình quân, tính theo đơn vị %). Năm 2014, chỉ số PAR INDEX tỉnh ta đạt 68,68%, xếp ở vị trí 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; năm 2015 tụt hạng xuống vị trí "đội sổ" toàn quốc.

 

Cán bộ “Một cửa” xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thu Hằng

Những chỉ số thành phần “giậm chân tại chỗ”, thậm chí liên tục tụt hạng là: Chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt 61,34% (xếp thứ 63/63); hiện đại hóa hành chính 47,79% (xếp thứ 63/63); thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt 70,07% (xếp thứ 61/63)... Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp đánh giá về thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên địa bàn tỉnh rất thấp (nằm trong 10 tỉnh cuối bảng xếp hạng toàn quốc).

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả trên được Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chỉ rõ là: Người đứng đầu một số ngành, đơn vị còn xem nhẹ công tác CCHC, chưa trực tiếp chỉ đạo công tác CCHC mà giao cho cấp phó, thậm chí khoán trắng cho cán bộ chuyên trách CCHC. Do vậy, việc triển khai CCHC không bám mục tiêu, thiếu động lực, không được nghiên cứu nghiêm túc và sự phối hợp ngay trong chính nội bộ cơ quan. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua cũng mới chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt, chưa thật sự tạo ra những đột phá cần thiết trên tinh thần CCHC. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện CCHC vẫn còn tình trạng cục bộ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Có đơn vị thành lập bộ phận “một cửa” – “một cửa liên thông” nhưng không thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận “một cửa”; một số cán bộ, công chức chưa có thái độ đúng mực khi giải quyết công việc, thậm chí còn thiếu trách nhiệm trong hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính.

Chính vì thế mà phần lớn khách hàng đánh giá: Việc cung cấp thông tin, giới thiệu dịch vụ tại nhiều cơ quan chưa đầy đủ, chủ động, đa dạng; tiến độ giải quyết hành chính ở một số cơ quan, địa phương rất chậm do thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp dẫn đến tình trạng hồ sơ trễ hẹn, đi lại nhiều lần còn phổ biến. Nhiều cơ quan còn vi phạm những nguyên tắc cơ bản như: Hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ không thống nhất, hướng dẫn bổ sung nhiều lần, không rõ cam kết về thời hạn giải quyết, trễ hẹn không báo trước, không xin lỗi, không giải thích lý do, không hẹn lại...

Tập trung giải pháp khắc phục

Trên cơ sở xác định cụ thể nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện CCHC ở địa phương, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, bộ phận trực tiếp thực hiện CCHC chấp hành nghiêm chủ trương, kế hoạch, lộ trình CCHC của Chính phủ; triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CCHC do UBND tỉnh ban hành như: Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 22/5/2014 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác CCHC tỉnh Điện Biên; Công văn 2353/UBND-NCNV ngày 26/6/2015 của UBND tỉnh về việc triển khi Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế cơ chế “một cửa” - “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương… Trong cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan chức năng tập trung kiểm soát việc ban hành mới và công khai các thủ tục hành chính. Năm 2016, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã tiến hành thẩm định 69 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, gồm 15 nghị quyết, 54 quyết định. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính đang có hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 1.846 thủ tục, trong đó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 1.414 thủ tục; UBND cấp huyện là 305 thủ tục; UBND cấp xã 127 thủ tục.

Hiện nay, tỉnh ta có 15/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 9/10 đơn vị cấp huyện, 63/130 đơn vị cấp xã thực hiện cơ chế “một cửa”. Trong đó, có 10 đơn vị (9 đơn vị cấp huyện, 1 sở) đã đưa cơ chế “một cửa” theo hướng hiện đại vào hoạt động. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức thông qua việc thực hiện Đề án Xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước. Quyết liệt chấn chỉnh kỷ luật công vụ và kỷ cương hành chính, trong đó thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về thái độ, giao tiếp, ứng xử. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 68,9% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top