Tinh gọn để nâng cao hiệu quả cấp cơ sở

08:58 - Thứ Năm, 25/05/2017 Lượt xem: 6445 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 130 xã, phường, thị trấn, trong đó 110 xã khó khăn và giáp biên giới, hơn 1.800 thôn, bản, tổ dân phố. Thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP và các văn bản liên quan của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quy định cụ thể số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, tổ dân phố; thực hiện việc bầu, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn đảm bảo số lượng theo quy định.

Theo kết quả giám sát, năm 2011 toàn tỉnh có 1.166 công chức của UBND cấp xã, 6.760 người hoạt động không chuyên trách; đến tháng 12/2016 có 1.457 công chức của UBND cấp xã (theo 7 chức danh chuyên môn), 16.592 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố. Nếu tính trung bình (toàn bộ cán bộ và công chức cấp xã), mỗi xã có 21,8 cán bộ, công chức và 19,8 người hoạt động không chuyên trách; mỗi thôn, phố, bản có 9 người hoạt động không chuyên trách. Còn đối với thành viên UBND cấp xã, năm 2011 có 112 chủ tịch, 164 phó chủ tịch, 163 thành viên khác của UBND; năm 2016 có 128 chủ tịch, 168 phó chủ tịch, 225 thành viên khác của UBND. Như vậy, số người hoạt động không chuyên trách tăng khá lớn. Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước và do chia tách xã, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Theo Nghị định 92, nếu tính cả cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, xã loại 1 tối đa là 47 người, xã loại 2 tối đa 43 người, xã loại 3 tối đa 40 người (cán bộ, công chức xã loại 1 được bố trí không quá 25 người, loại 2 không quá 23 người, loại 3 không quá 21 người; những người hoạt động không chuyên trách xã loại 1 không quá 22 người, loại 2 không quá 20 người, loại 3 không quá 19 người). Thực tế trên địa bàn các tỉnh miền núi, trong đó có Điện Biên nhiều xã loại 3 có chưa đầy 1.000 nhân khẩu và quản lý từ 5-7 thôn, bản. Nếu tính tỷ lệ trung bình mỗi cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (chưa kể người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản) “phụ trách” khoảng trên dưới 25 nhân khẩu; từ 5-7 người “phụ trách” một thôn, bản. Một vấn đề khác đó là sự chênh lệch giữa các xã loại 1 và loại 3. Có nhiều xã loại 1 có trên 10.000 nhân khẩu, quản lý số lượng thôn, bản gấp 3-4 lần xã loại 3, nhưng số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã loại 1 chỉ hơn xã loại 3 vài người.

Một vấn đề khác cần quan tâm đó là sự chênh lệch về chế độ tiền lương và mức phụ cấp giữa cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách. Theo quy định, cán bộ, công chức cấp xã được xếp lương như công chức hành chính (chưa đào tạo được xếp theo hệ số quy định tại Nghị định 92). Nhưng đối với những người hoạt động không chuyên trách chỉ được hưởng mức phụ cấp không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung, do HĐND cấp tỉnh quyết định. Vì chênh lệch lớn về tiền lương và mức phụ cấp không tạo được động lực và khuyến khích người hoạt động không chuyên trách. Nhiều trường hợp, vị trí, người hoạt động không chuyên trách là cấp phó hoạt động, hiệu quả tích cực hơn cán bộ, công chức cấp trưởng nhưng phụ cấp lại ít hơn nhiều. Đó là chưa tính đến địa bàn vùng cao, các thôn, bản xa trung tâm, việc đi lại khó khăn, mức phụ cấp hàng tháng của người hoạt động không chuyên trách chỉ trên dưới một triệu đồng, chưa thể đủ tiền xăng xe phục vụ công tác.

Để tinh gọn, nâng cao hiệu quả bộ máy ở cơ sở, vấn đề hết sức quan trọng đó là rà soát lại chức năng, nhiệm vụ để quy định các chức danh cho phù hợp. Đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức. Thực hiện khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã; xây dựng cơ chế quản lý cán bộ không chuyên trách ở xã và thôn, bản, tổ dân phố gắn với phát huy quyền làm chủ, giám sát của nhân dân và thực hiện các hình thức tự quản tại cộng đồng dân cư theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Việc thực hiện chế độ kiêm nhiệm các chức danh, nhất là trường hợp bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch UBND cần đánh giá và thực hiện đồng bộ, tăng mức phụ cấp kiêm nhiệm; thu gọn đầu mối, thực hiện chế độ kiêm nhiệm của các cơ quan đảng, chính quyền cấp huyện để tránh tình trạng “quá tải”, đối với cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm nhiều chức danh. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác tuyển dụng, bố trí sắp xếp và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng trình độ của cán bộ, công chức.

Hoa Huyền
Bình luận
Back To Top