Ngày làm việc thứ 6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV:

Quy định rõ về công khai tài sản công

09:04 - Thứ Ba, 30/05/2017 Lượt xem: 6086 In bài viết
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, ngày 29-5, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chính phủ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật Du lịch (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). 

Riêng với vấn đề quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, dự án luật quy định khá rõ việc công khai tài sản công. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần bổ sung hình thức công khai trên chính tài sản công như, đất lâm trường, trụ sở cơ quan, nhà công vụ, xe công…

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Cảnh phát biểu.

“Biển số đẹp” là tài sản công

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đổi tên luật thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vì phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, để bảo đảm việc sửa đổi luật lần này có tác dụng chống lãng phí, thất thoát tài sản của nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung chế tài ngăn chặn tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Điểm đáng lưu ý là để công khai tài sản đi vào thực chất, ngoài chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, ban thanh tra nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Tiếp thu ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội, biển số đẹp đã được bổ sung để đưa vào dự án luật là một tài sản công. Đối với vấn đề dư luận quan tâm là tài sản biếu tặng, dự án luật đã bổ sung quy định cấm hành vi sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng để phục vụ cho các chức danh hoặc phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã bổ sung biển số đẹp vào dự án luật là một tài sản công, song đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, việc giải thích thế nào là biển số đẹp hay không đẹp cần căn cứ trên nhu cầu của xã hội và quan niệm của đa số để quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn dưới luật. Theo tính toán của đại biểu, trong mỗi series số, ví dụ từ 30A 000.01 đến 30A 999.99 có 99.999 số, sẽ có 12.186 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt đối với cá nhân họ. "Tổng số tiền thu được cho mỗi series 99.999 số là khoảng 1.639 tỷ đồng. Số ô tô bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe. Trừ số xe công, nếu thực hiện đấu giá, định giá, chúng ta đã có thể thu được gần 5.000 tỷ đồng. Nếu triển khai việc này cho xe hai bánh cũng thu số tiền không ít” - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích và đề nghị Quốc hội sớm triển khai đấu giá biển số để đáp ứng nhu cầu của xã hội và tăng ngân sách cho các địa phương.

Thảo luận nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) đề cập, ngoài biển số xe đẹp còn có các loại số khác như, số định danh cá nhân, công dân cũng có nhu cầu về số đẹp. Vì vậy theo đại biểu, cần cân nhắc, quy định nguyên tắc sử dụng kho số này...

Để không bị động trong quản lý

Ban soạn thảo cũng quy định rõ nguồn hình thành tài sản công tại cơ quan nhà nước bao gồm: Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật và Nhà nước giao ngân sách hoặc cho phép sử dụng nguồn kinh phí khác để đầu tư xây dựng, mua sắm hoặc đi thuê tài sản. Việc hình thành tài sản công thông qua đầu tư xây dựng, mua sắm, đi thuê tài sản phải được thực hiện theo cơ chế thị trường (chủ yếu thông qua đấu thầu, đấu giá).

Để không bị động trong quản lý tài sản công, tránh nhiều cách hiểu khác nhau, dự án luật quy định các hình thức công khai tài sản công tại Khoản 3, Điều 9 gồm: Công bố trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các cuộc họp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định này vẫn chưa đáp ứng được sự giám sát thường xuyên của người dân đối với tài sản công. Cơ quan soạn thảo cần bổ sung một hình thức nữa đó là, công khai trên chính tài sản công như, đất lâm trường, trụ sở cơ quan, nhà công vụ, xe công… Đây là những tài sản công mà dư luận xã hội phản ánh, việc quản lý, sử dụng thời gian qua còn thiếu chặt chẽ. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị, không chỉ xử lý hành vi sử dụng tài sản không đúng định mức, tiêu chuẩn mà cần xử lý cả hành vi nhận tài sản cho, biếu, tặng.

Trái với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc các tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng tài sản cần được ghi nhận, nhất là tài sản công cộng. Vấn đề đặt ra ở đây là, động cơ có trong sáng hay không? Do đó, cần quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền nhận và việc sắp xếp sử dụng để phát huy mục đích tốt đẹp của hành vi này.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện, bảo đảm tài sản của Nhà nước được quản lý chặt chẽ nhất.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top