Bảo đảm ATTP: Cần một hay nhiều cơ quan quản lý Nhà nước?

08:30 - Thứ Ba, 06/06/2017 Lượt xem: 6739 In bài viết
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong phiên thảo luận về Báo cáo giám sát về An toàn thực phẩm (ATTP) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 5/6 là việc thành lập Cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới.

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) bức xúc, người dân nghĩ gì khi câu hỏi về quản lý ATTP cứ được nêu ra liên tục nhưng không có câu trả lời thoả đáng? Bởi chúng ta còn lo lắng, hoang mang và mối liên hệ giữa ung thư và ATTP ngày càng gia tăng mà theo đại biểu nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là cơ quan quản lý và thực thi pháp luật chưa nghiêm.

 

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang).

“Đã đến lúc cần thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý về ATTP chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề này để tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ. Việc xây dựng lòng tin của người dân với thực phẩm an toàn cũng chính là lòng tin của nhân dân với Chính phủ”, đại biểu Bình kiến nghị.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) nêu lên trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP gồm 3 cơ quan. Tuy nhiên, một số quyết định phân công trách nhiệm còn chồng chéo, không rõ ai chủ trì, ai chịu trách nhiệm đến cùng khi xảy ra các vụ việc. “Chính phủ cần nghiên cứu tập trung thống nhất về một Bộ, một đầu mối, một cơ quan chịu trách nhiệm chứ không phải 3 Bộ như hiện nay”, đại biểu Yến bày tỏ.

 

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ).

Nhân đây, đại biểu Yến cũng đề xuất sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia, góp phần kiểm soát chặt chẽ loại thực phẩm đang được bày bán tràn lan hiện nay.

Có cách nhìn khác về việc thành lập cơ quan chuyên trách về ATTP, các đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) băn khoăn: Có nhất thiết thành lập thêm một máy chuyên trách về ATTP hay không trong khi chúng ta có thanh tra chuyên ngành riêng của từng Bộ. Bên cạnh đó, hai đại biểu cũng bày tỏ nỗi lo về việc “phình” biên chế khi mà chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế?

Từ thực tế hoạt động của Ban An toàn thực phẩm tại địa bàn, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, việc thành lập Ban An toàn thực phẩm tại TPHCM không có gì mới mà làm chuyên nghiệp hơn, cũng không đẻ thêm tổ chức mới. Do đó, đại biểu Tâm kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo mở rộng mô hình này ở các tỉnh để tránh quản lý chồng chéo, hiệu quả chưa cao về ATTP như hiện nay.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM).

Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Hiếu (An Giang) tranh luận, cần thành lập một tổ chức là những người làm công tác này tại 3 Bộ hiện nay. Vì thế, không lo việc “phình” biên chế mà có thể giảm bớt được biên chế.

Quan tâm đến mô hình cơ quan quản lý ATTP hiện nay, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) phân tích, hiện có nhiều đầu mối về quản lý ATTP  ở 3 Bộ hiện nay (đó là 2 cơ quan của Bộ Y tế, 7 cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, 3 cơ quan thuộc Bộ Công Thương). Ở địa phương cũng vậy nên xảy ra thực trạng mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa các văn bản quy phạm pháp luật đang thi hành hiện nay.

Trên cơ sở đó, đại biểu Phương kiến nghị cần có đợt rà soát văn bản quy phạm pháp luật về ATTP. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc nghiên cứu về việc thành lập một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm chính về công tác quản lý về ATTP.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, việc giao cho 3 Bộ và UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý ATTP thì khó mà hoàn thành được, mà cần sự vào cuộc của cả xã hội bởi đây là cuộc chiến của cái đúng và cái sai, cái thiện và cái ác. Chỉ khi nào cả xã hội quyết liệt vào cuộc mới mong chuyển biến được.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top