Ngày 7/6: Quốc hội xem xét 1 dự thảo nghị quyết và 3 dự án luật

14:44 - Thứ Tư, 07/06/2017 Lượt xem: 7572 In bài viết
Ngày 7/6, Quốc hội xem xét, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và 3 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD; dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD của Quốc hộixác định phạm vi điều chỉnh là quy định về việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD; quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đối tượng áp dụng là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nguyên tắc xử lý nợ xấu theo dự thảo Nghị quyết là: Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh; bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.

Dự thảo Luật do Chính phủ trình gồm 5 điều, trong đó quy định về việc sửa đổi 20 điều, bổ sung 26 điều và bãi bỏ 1 điểm của Luật Các TCTD.

Các vấn đề của dự thảo Luật cần Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp này bao gồm: Phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật, đối tượng áp dụng của Luật; nguyên tắc cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, thẩm quyền xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt; việc thành lập và nhiệm vụ, quyền hạn của ban kiểm soát đặc biệt; tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, điều hành của TCTD; nguồn vốn góp, mua cổ phần vào TCTD, nguồn lực thực hiện, điều khoản chuyển tiếp.  

Về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi): Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2005. Qua tổng kết 12 năm thực hiện, bên cạnh những tác động tích cực, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung.

Sau khi tiếp thu chỉnh lý, dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 chương, 97 điều.

Các vấn đề của dự thảo Luật cần Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp này bao gồm: Tên gọi của dự thảo luật (đổi từ “Luật Bảo vệ và phát triển rừng” thành “Luật Lâm nghiệp”,“ Luật Tài nguyên rừng”); việc sắp xếp lại bố cục của dự thảo luật để bảo đảm tính logic, tính khoa học; làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật, đối tượng quản lý, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phân loại rừng; quản lý rừng; việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi): Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2004, đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng, điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu quản lý thủy sản và hội nhập quốc tế, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp 2013, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản là vô cùng cần thiết.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 100 điều.

Các vấn đề của dự thảo Luật cần Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp này bao gồm: Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản; thực hiện đồng quản lý trong hoạt động thủy sản; quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; thành lập quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giấy phép khai thác thủy sản và hoạt động khai thác thủy sản; quản lý tàu cá, dịch vụ hậu cần trong khai thác thủy sản và các quy định liên quan đến thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá; lực lượng kiểm ngư.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top