Một số vấn đề trong việc tinh giản biên chế

09:11 - Thứ Năm, 08/06/2017 Lượt xem: 5667 In bài viết
ĐBP - Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua, ông Hà Văn Quân Giám đốc Sở cho biết: Thực hiện Nghị định 108/2014/NĐ-CP, trong 2 năm (2015 - 2016) Sở đã tinh giản 5 đợt với 30 người, đang đề nghị tinh giản 4 người, dự kiến đến năm 2021 tinh giản 67 người, đạt tỷ lệ 10% so với biên chế được giao. Tuy nhiên, việc thực hiện tinh giản biên chế vẫn còn nhiều bất cập, nhất là đối với biên chế của lực lượng kiểm lâm.

Cụ thể là, theo Nghị định 119/2006/NĐ-CP, của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của lực lượng kiểm lâm quy định: Định mức biên chế kiểm lâm được tính bình quân toàn quốc, cứ 1.000ha rừng có một biên chế kiểm lâm; Nghị định 117/2010/NĐ-CP về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng quy định tối đa 500ha rừng đặc dụng có một công chức kiểm lâm. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các hạt kiểm lâm của tỉnh quản lý 333,069ha rừng; Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé quản lý 31.000ha rừng đặc dụng. Vì vậy, nếu tính theo định mức trên, tỉnh còn thiếu trên 175 biên chế kiểm lâm (số hiện có là 218 biên chế). Việc chưa được giao đủ biên chế là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quản lý, bảo vệ rừng chưa hiệu quả trong thời gian vừa qua. Vì vậy, khi tiếp tục tinh giản biên chế theo Nghị định 108, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Cùng hoàn cảnh như lực lượng kiểm lâm, biên chế sự nghiệp giáo dục, đào tạo cũng tương tự. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, hiện nay tỉnh còn thiếu khoảng 800 giáo viên mầm non, do từ năm 2012 đến nay tỉnh đã căn cứ vào định mức theo quy định để trình Bộ Nội vụ nhưng mới chỉ được giao bổ sung một phần nhỏ so với yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế vẫn phải đảm bảo theo lộ trình.

Kết quả tinh giản biên chế của tỉnh trong hơn 2 năm qua là 458 người, trong đó khối chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện được 400/25.175 biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được giao năm 2015, tỷ lệ mỗi năm đạt 0,64%, chưa đạt yêu cầu là 1,5%/năm. Số lượng tinh giản nêu trên chủ yếu là các đối tượng tinh giản tự nguyện trong độ tuổi nghỉ hưu trước tuổi. Nguyên nhân chủ yếu được UBND tỉnh đưa ra là do các sở, ngành, đơn vị chưa chủ động trong tổ chức, thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi đó là loại bỏ được sự nể nang trong công tác nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức cũng như trong quá trình thực hiện Nghị định 108. Chính vì đánh giá chưa thực chất, chủ yếu hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nên số cán bộ, công chức, viên chức hạn chế về năng lực công tác, không hoàn thành nhiệm vụ vẫn có thể ung dung trong biên chế Nhà nước!

Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, trong đó có cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong quá trình thực hiện, cùng với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt cũng cần đánh giá, xem xét để khắc phục các vướng mắc, bất cập. Hiện nay, thực hiện chính sách tinh giản biên chế đang được giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị với yêu cầu đến năm 2021 phải đạt tối thiểu 10% trên tổng số biên chế được giao. Với việc thực hiện như vậy sẽ nảy sinh vấn đề cần xem xét, đó là một số cơ quan, đơn vị chưa được giao đủ theo định mức theo quy định của Chính phủ (lực lượng giáo viên, kiểm lâm, y tế) nhưng nay lại phải tiếp tục tinh giản. Đây cũng là lý do để không ít cơ quan, đơn vị “biện minh” cho việc chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Vì vậy, cần xem xét việc tính tỷ lệ phần trăm tinh giản biên chế trên tổng số biên chế theo định mức hay theo tổng biên chế được giao. Đồng thời, quy định lại định mức biên chế ở một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. Một vấn đề khác đó là cần rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị khi giao chỉ tiêu tinh giản biên chế. Bởi trên thực tế chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc của các cơ quan, đơn vị khác nhau; nhiều cơ quan, đơn vị phải triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh. Do đó, việc tinh giản biên chế không nên “cào bằng” mà cần xem xét cụ thể các đơn vị chưa được giao đủ biên chế theo định mức và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc các cơ quan, đơn vị được giao đảm nhiệm trong từng thời kỳ.

Hoa Huyền
Bình luận
Back To Top