Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2017)

Người góp công đổi tên Báo Điện Biên Phủ ngày ấy!

08:58 - Thứ Năm, 15/06/2017 Lượt xem: 5077 In bài viết
ĐBP - Ngày ấy! cách đây gần 1/4 thế kỷ, báo Lai Châu, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Lai Châu lúc bấy giờ, là nguồn cổ vũ, động viên về tinh thần của gần 2 vạn đảng viên và gần nửa triệu đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt là lúc bấy giờ khó khăn càng chồng chất, sau những cơn lũ là 1990 - 1996 tàn phá nặng nề cả thị xã Lai Châu và thị trấn Mường Lay.

Chính phủ đồng ý cho Lai Châu di dời thủ phủ từ thị xã Lai Châu về thị trấn Điện Biên (lúc bấy giờ là thị trấn đến huyện Điện Biên) năm 1994. Sự trùng hợp của 2 thời gian 1964 Báo Lai Châu ra số đầu tiên đầy 30 năm sau số báo Lai Châu ra đời lại mang tên Điện Biên Phủ. Những người góp công là cả một tập thể từ lãnh đạo báo đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mà người khởi xướng lúc bấy giờ là ông Lê Văn Quý, năm 1990 ông là Tổng Biên tập báo Lai Châu. Thời gian sau, ông chuyển về giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhưng vẫn mang ý tưởng đó về trình bày với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Và sau này được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy: ông Nguyễn Khản là người kế nhiệm Tổng biên tập Báo Lai Châu. Lúc bấy giờ trụ sở của Báo ngay tại Trại Thương binh Nà Nát. Vẫn những dãy nhà cấp IV lợp ngói xi măng 24 gian đơn sơ. Đội ngũ làm báo không đông lắm, chỉ vẻn vẹn có 21 người (cả cấp dưỡng bảo vệ và đội ngũ làm báo). Những năm ấy, liên tiếp 2 trận lũ dồn dập trôi cả thị xã Lai Châu và thị trấn Mường Lay. Tình thế phải khẩn cấp di dời về Điện Biên. Thị trấn Điện Biên khi ấy vẫn nhà không số, phố không tên. Tổng biên tập Nguyễn Khản cùng đội ngũ làm báo, ăn cơm quán ngủ trọ nhờ để giữ vững ngưồn tin cho Đảng cho dân.

 

Đồng chí Trần Văn Sơn (người thứ 3 từ phải sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh thăm gian trưng bày Báo Điện Biên Phủ tại Hội Báo xuân 2017. Ảnh: Văn Thành Chương

Tỉnh đồng ý để cho lãnh đạo Báo về làm việc với Vụ Báo chí xuất bản Bộ Văn hóa Thông tin xin đổi tên từ Báo Lai Châu sang Báo Điện Biên Phủ. Một miền đất đã đi vào huyền thoại của dân tộc. Anh Nguyễn Khản, khăn gói lên đường, vào mùa mưa trời mưa liên miên đến đoạn Nà Nhạn qua Mường Ẳng sạt lở, vừa đùn vừa đẩy chiếc xe U Oát, có đoạn xuống đi bộ. Tận 4 giờ chiều mới đến Sơn La. Còn 2/3 đường nữa mới về tới Hà Nội. Mưa ngập cả thị xã Sơn La, cuốn trôi cả cầu trắng, con đường độc đạo số 6 gập gềnh đá, dốc. Xe phải leo trèo đến 5 giờ chiều về đến Dốc Cun lại bị tắc và phải 10 giờ đêm mới về Hà Nội, gần 2 ngày và một đêm. Một chặng đường dài xa và mệt, ai cũng thấm đẫm nỗi ưu tư, lo làm sao Bộ Văn hóa - Thông tin đồng ý.

 

Nhà báo Vi Hồng Long (người bên phải) Vụ Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao đổi kinh nghiệm làm báo với nhà báo Hồng Hải, Báo Lai Châu (nay là Báo Điện Biên Phủ). Ảnh Tư liệu

Những năm ấy, chúng tôi quen biết anh Vi Hồng Long, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Văn hóa – Thông tin, bởi anh cũng đã lên một vài lần dự kỷ niệm ngày giải phóng Điện Biên Phủ. Tình khăng khít quý mến trân trọng. Cứ mỗi lần lên Điện Biên là đoàn công tác của anh Vi Hồng Long lại gặp mặt anh em chúng tôi, coi nhau như người nhà, chia nhau từng củ sắn nướng, ngọn măng rừng. Cơm nắm, muối vừng là thức ăn để chuẩn bị cho các anh về Hà Nội, sợ tắc đường.

Sau một cuộc điện thoại bàn: anh Vi Hồng Long giọng sang sảng:’

- Đoàn vua Mèo về đấy hả, cứ từ từ đi uống cà phê đã.

- Thế là yên tâm rồi.

Chúng tôi vẫn sốt ruột, người thì mừng, người thì thở dài. Bởi chúng tôi mới về Điện Biên, còn ở thuê đi bộ làm việc.

Chưa đầy 5 phút sau anh Vi Hồng Long đã xuất hiện, từ phòng chờ, chúng tôi chạy ùa ra đón anh. Những cái bắt tay, lời nói chân tình mà anh Vi Hồng Long như cởi mở:

- Tao biết rồi cứ yên chí, nằm chờ nhà khách vài hôm tao lo hết. Có gì cứ đi giải ngố đi nhá.

Tiếng nói bộc bạch, đon đả của anh Vi Hồng Long bao giờ chả thế. Chúng tôi càng thấu hiểu anh, người con dân tộc Tày Lạng Sơn. Chúng tôi thường trêu đùa:

Anh Nguyễn Khản thay mặt đoàn:

- Vâng! Nhờ cậy anh cả

- Anh với em gì! Toàn người làm báo một nhà, có gì khó khăn cứ nói với tớ.

Chưa đầy 2 phút anh Khản lấy ra gói bọc gạo nếp hôm đi vợ anh dúi vội lên xe để biếu anh Long.

- Của vợ mình đấy, có vài cân nếp nương mới gửi anh mang về cho cháu.

- Mày lại lấy của vợ, lo đút lót chứ gì.

- Tao không cần.

Nói rồi anh cười xòa, cả đoàn chúng tôi ai cũng rơm rớm nước mắt. Nước mắt anh Khản trào ra, như muốn khóc ôm chầm lấy anh Vi Hồng Long. Một con người chỉ lo cho công việc, anh nguyên là biên tập viên Đài Phát thanh giải phóng, sau giải phóng năm 1975 anh được chuyển về Vụ Báo chí địa phương Bộ Văn hóa - Thông tin, anh Long lại nói tiếp:

- Mày là thằng kéo pháo vào Điện Biên, tao không lo cho bọn mày thì lo cho ai.

Cả đoàn chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, thế là anh đã hiểu và lo cho chúng tôi. Lúc này ở nhà bao bề ngổn ngang về chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc… Nhất là nhiệm vụ dù thế nào đi nữa phải cập nhật xuất bản báo đúng giờ để Bưu điện chuyển về huyện, xã.

Anh Khản nói thầm:

Thế là khi đi thắp hương cụ Hoàng Công Chất có quý nhân phù trợ. Đoàn đã đi an toàn và làm được việc. Với anh Vi Hồng Long không những cả Đoàn mà Tòa soạn báo Lai Châu lúc bấy giờ biết ơn anh. Một nghĩa cử cao đẹp nhớ đến công ơn của anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Chúng tôi mỗi người chia nhau đi giải quyết công việc của mình hẹn chiều đến nhà anh Vi Hồng Long thăm anh chị. Anh cũng không cho chúng tôi biết nơi ở của gia đình. Bởi tính anh thế, không muốn phiền đồng đội và nhất là Điện Biên, Lai Châu, phải đi mất gần 3 ngày đường mới về đến Hà Nội. Chỉ có 2kg gạo nếp vợ anh Khản gửi cho anh mà anh cũng phê bình, cho là hối lộ… Nhà anh ở một góc phố, đi vào một con hẻm nhỏ vừa đi được người và xe đạp, gọi là nhà cũng hơi quá. Một gian nhà nhỏ của Hội Nhà báo phân cho anh chị, vừa đủ 1 gác xép, kê một chiếc giường gấp khi có khách. Còn tối đến anh chị rải một chiếc đệm Thái làm giường, sáng dậy cuộn lại, mới có diện tích ngồi ăn cơm và uống nước.

Chúng tôi phải thay nhau từng người vào thăm anh chị. Đặc biệt là chị Nhuần (vợ anh) người con gái Hà Nội chính cống, chị e dè như một người con gái nông thôn, bộ quần áo gụ giản dị, gọn gàng. Chúng tôi ngồi không lâu, anh lại bảo:

- Nhà báo mình thế đấy, các cậu đừng cười. Chắc mấy năm nữa nhà mình sẽ to hơn

Chúng tôi chào anh chị, chị Nhuần vẫn theo chúng tôi ra khỏi con hẻm, dúi vội cho tôi một gói nhỏ bọc báo: Em gửi cho chị đấy.

 

Phóng viên Báo Điện Biên Phủ tác nghiệp tại bản Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa.

Tôi bắt buộc nhận quà của chị, về phòng trọ mở ra đó là 2m vải màu xanh. Chắc chị muốn gửi cho vợ tôi, món quà ấy gia đình tôi trân trọng như một báu vật. Tấm lòng của một vợ chồng nhà báo nghèo, gửi tặng cho một vợ nhà báo nghèo cũng như anh chị. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn trân trọng và giữ báu vật ấy. Những kỷ niệm của những người có công đổi tên báo. Chúng tôi nhớ suốt đời, anh Khản đã về thế giới bên kia, người còn lại ít lắm và tôi cũng đã ở tuổi 80, không nhớ hết. Tôi chỉ còn hình dung ra anh Vi Hồng Long, chị Hồng trong Vụ Báo chí (Bộ Văn hóa Thông tin) đã giúp đỡ chúng tôi nhiều. Giờ kể đến công thì không hết được. Tôi chỉ sợ con cháu của các nhà báo hôm nay sẽ quên đi nếu không có người kể lại nên vội kể đôi lời để nhớ về nhau dù ít, dù nhiều đã có công đóng góp cho Báo Điện Biên Phủ ngày ấy và hôm nay. Để tri ân một tấm lòng liêm khiết với báo, với nhân dân, với dân tộc, chỉ có 2kg gạo nếp để thăm đồng nghiệp mà đã bị phê bình, bị nhắc nhở: để tỉnh Điện Biên có một tài sản vô giá: Báo Điện Biên Phủ hôm nay.

Hồng Hải
Bình luận
Back To Top