Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giải đáp nhiều câu hỏi ‘nóng’ của ĐBQH

15:54 - Thứ Sáu, 16/06/2017 Lượt xem: 5418 In bài viết
Các giải pháp lớn cho vấn đề “quốc kế, dân sinh” được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra cho Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại phiên chất vấn chiều 15/6.

Thực hiện tốt quy hoạch để chống ‘được mùa, mất giá’

Trả lời các chất vấn về việc ngành nông nghiệp liên tục rơi vào cảnh "được mùa, mất giá", liên tục giải cứu thanh long, chuối, thịt lợn… thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, trách nhiệm của chính quyền là quy hoạch tốt, tìm đầu ra, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, có kho trữ tốt...

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại phiên chất vấn chiều 15/6.

"Chúng ta phải hướng dẫn người nông dân làm sao sản xuất chất lượng cao, năng suất tốt, không dư thừa. Đồng thời tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng", Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho rằng, hiện nay, sức cạnh tranh các loại nông sản của ta còn kém. Để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm, cần thiết phải tổ chức lại sản xuất các mặt hàng này để nâng cao sức cạnh tranh, kết hợp với các giải pháp mở rộng thị trường để tìm đầu ra ổn định cho các loại nông sản.

Dành nguồn lực đầu tư để phát triển ĐBSCL

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) chất vấn: ĐBSCL vốn là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước, nhưng hiện nay quy hoạch khu vực này còn phân tán, nguồn lực đầu tư thấp. Đặc biệt, hệ thống giao thông không đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Vậy Chính phủ sẽ giải quyết tình trạng này ra sao?

Trả lời chất vấn này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: ĐBSCL là vùng trọng điểm cả nước về hàng hóa nông sản, đặc biệt là lúa, trái cây, thủy sản. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội khu vực này, đặc biệt là hệ thống giao thông.

“Giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã đầu tư 40 dự án với tổng mức 58.800 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng mức đầu tư cả nước. Tuy nhiên, hiện đang có 26 dự án dở dang với tổng vốn lên đến 90.000 tỷ đồng. Nhà nước có quan tâm, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu để khu vực này trở thành vùng kinh tế năng động”, Phó Thủ tướng cho biết.

Chính phủ đã và đang tiếp tục rà soát các dự án hiệu quả để thúc đẩy đầu tư theo điều kiện phân bổ vốn. Trong đó, riêng dự án cao tốc Trung Lương-Cần Thơ có chậm, Chính phủ đã thấy có sự yếu kém trong công tác tham mưu. Sự chậm trễ này đã góp phần làm kìm hãm phát triển trong vùng.

Khó khăn nằm ở việc thu xếp vốn của Bộ GTVT. Theo đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, cùng các địa phương trong vùng hoàn thành các công trình theo quy hoạch để sớm đưa vào sử dụng hiệu quả.

“Kết cấu hạ tầng là quan trọng, cho nên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đề nghị các địa phương nâng cao vai trò trong việc đáp ứng yêu cầu, huy động các nguồn lực khác, chứ không chỉ trông chờ ngân sách Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh. 

Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại 12 dự án thua lỗ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về 12 dự án thua lỗ lớn, hậu quả nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, thời gian qua, Chính phủ đã rất công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông về 12 dự án thua lỗ.

Hướng xử lý 12 dự án này là Chính phủ sẽ tổ chức tái cơ cấu, sắp xếp lại các dự án trên cơ sở không gây thất thoát ngân sách, không dùng ngân sách để trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây thất thoát, thua lỗ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập một ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu các địa phương, bộ, ngành tích cực đánh giá và rà soát để xem còn dự án thua lỗ, kém hiệu quả nào không. Với các dự án được phát hiện là có thua lỗ, sẽ có giải pháp để xử lý như đối với 12 dự án đã “đắp chiếu” trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, giải pháp quan trọng hơn là phải làm sao để không còn các dự án, công trình thua lỗ. Để làm được điều này, trách nhiệm của các cấp, các ngành là phải chấp hành nghị quyết Chính phủ về việc tích cực sắp xếp các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại các ngành nghề. Đồng thời tăng cường thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về cơ chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm.

Xử lý ‘cát tặc’ và trách nhiệm người đứng đầu

Nạn cát tặc hoành hành thời gian vừa qua cũng là một trong những vấn đề được các ĐBQH quan tâm. Với vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng “cát tặc” đang diễn ra ở nhiều nơi. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật; phân cấp quản lý và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định: "Thời gian tới, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát; có chế tài xử phạt đủ sức răn đe; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp; khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm; xử lý nghiêm hành vi ‘bảo kê’, tiếp tay cho cát tặc. Cùng với đó là soát quy hoạch, có kế hoạch khai thác cát sỏi và giải pháp thay thế phù hợp, góp phần bảo đảm nhu cầu xây dựng".

Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền; xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật; rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; kiểm soát hoạt động xả thải.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top