Chính phủ họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm

19:36 - Thứ Hai, 03/07/2017 Lượt xem: 8479 In bài viết

ĐBP - Ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ tháng 6. Dự phiên họp tại điểm cầu Điện Biên có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

 

Các đại biểu dự phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 tại điểm cầu Điện Biên.

Phiên họp Chính phủ tháng 6 tập trung xem xét, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017; việc triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017; kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017; báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng; tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; báo cáo công tác cải cách hành chính; tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...

6 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm đạt 5,73%; xuất khẩu tăng 19%; thị trường chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm qua; Việt Nam trở thành 1 trong 12 nước có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới 6 tháng qua… Bên cạnh những mặt đạt được, thì còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc như: Mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể, bất cập trong khám chữa bệnh, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề. Trong đó để tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42%. Đây là con số không dễ đạt được, vì vậy các bộ, ngành và các địa phương phải quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn, nhất là các bộ, ngành quản lý sản xuất kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương đề xuất giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và xây dựng mạnh mẽ hơn, nghiên cứu cần giải pháp kích cầu không; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 18-20% trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt. Cùng với đó là đề xuất giải pháp tiêu thụ hàng nông sản như: lúa, lợn, gà, trái cây… Cần tập trung vào giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn; cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính khi người dân và doanh nghiệp còn nhiều thắc mắc những vướng mắc, bất cập về công tác này. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng, tập trung đề xuất phương pháp, cách làm cụ thể về chủ trương, chính sách để thực hiện các chỉ tiêu đề ra; cần chỉ rõ cơ chế, chính sách nào làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp khắc phục .

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top