Thực hiện tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

17:05 - Thứ Tư, 26/07/2017 Lượt xem: 7237 In bài viết
ĐBP - Chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hết sức quan tâm thực hiện chính sách đó và đã thu được những kết quả rất tích cực. Với Điện Biên, điều kiện kinh tế -  xã hội còn nhiều khó khăn, song các chế độ chính sách này đã và đang được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo nên sự đồng thuận giữa “ý Đảng” và “lòng dân”.

Xác định, thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ là nhiệm vụ rất quan trọng mà còn thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đối với Điên Biên dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ của đồng chí và đồng bào trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Duy trì được tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế năm sau cao hơn năm trước; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới, an ninh trật tự và khối đoàn kết toàn dân; xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Cùng với việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh qui định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Duy trì và đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trách nhiệm và tình cảm đối với người có công đã trở thành một nội dung quan trọng trên các diễn đàn và các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, áo lụa tặng bà, áo gấm tặng mẹ liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực nẩy nở từ thôn, bản, tổ dân phố, huy động cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Sau 10 năm (2007- 2017) thực hiện Chỉ thị 07- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Điện Biên đã xem xét, giải quyết chính sách cho 1.663 đối tượng được hưởng chính sách người có công với cách mạng; trong đó có 155 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 05 mẹ, 03 cán bộ lão thành cách mạng, 03 cán bộ tiền khởi nghĩa, 01 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 13 liệt sỹ, 10 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 02 bệnh binh và 224 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, giải quyết trợ cấp 01 lần cho 1.245 cựu thanh niên xung phong.

Đã tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng và một lần cho 2.961 lượt đối tượng người có công với cách mạng; cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm cho 2.389 đối tượng người có công và thân nhân người có công; trợ cấp ưu đãi giáo dục cho con của đối tượng người có công trên 11 tỷ đồng; tổ chức điều dưỡng tập trung và tại gia đình cho bình quân 200 đối tượng người có công/năm; tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công vào dịp lễ, tết với số tiền trên 11 tỷ đồng.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong 10 năm (2007- 2017) các tổ chức, cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 16.130 triệu đồng đồng để xây dựng, sửa chữa 460 ngôi nhà tình nghĩa; tặng 842 sổ tiết kiệm tình nghĩa, huy động hàng ngàn lượt người tham gia sửa nhà bia, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức chu đáo cho hơn 100.000 lượt người là các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Đoàn đại biểu tỉnh và thân nhân gia đình liệt sĩ đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công” được phát động và triển khai sâu rộng có hiệu quả. Đến nay có 100 %  xã, phường, thị trấn thực hiện tốt phong trào này, trên 98% gia đình chính sách có mức sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, công tác tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ được tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2007 đến nay đã tổ chức 27 đợt, đón nhận 280 hài cốt liệt sỹ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên nước bạn Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên. Hiện nay, tỉnh đang quản lý 08 nghĩa trang liệt sỹ, với 6.646 ngôi mộ (trong đó có 3 nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia), 05 đài tưởng niệm liệt sỹ, 23 nhà bia ghi tên liệt sỹ. Các nghĩa trang liệt sỹ đều được đầu tư nâng cấp, tu sửa thường xuyên và trở thành các công trình văn hóa - lịch sử.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thương binh tàn nhưng không phế”, những năm qua cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các đối tượng chính sách, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bệnh tật, sống gương mẫu cho thế hệ trẻ noi theo. Nhiều thương binh, bệnh binh, nhiều gia đình có công đã được vinh danh là lao động sản xuất giỏi, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Những kết quả trong công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tỉnh Điện Biên đạt được đã góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa - xã hội.

Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định về công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế rằng, vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Tuy không nhiều, nhưng vẫn còn trường hợp chưa hoàn thiện được thủ tục hồ sơ để hưởng chính sách. Một số gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công... điều kiện kinh tế chưa vững; nhà cửa còn tạm bợ; cuộc sống còn khó khăn. Các thương binh, bệnh binh đang chịu sự đau đớn của vết thương tái phát, bệnh tật và những di chứng chiến tranh để lại. Một số nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ chưa được khang trang, nhiều mộ của liệt sỹ chưa thể biết tên; vẫn còn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt. Đây là những trăn trở, day dứt chúng ta cần tiếp tục quan tâm giải quyết.

Chăm sóc người có công với cách mạng là lĩnh vực quan trọng, không chỉ là đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong thời gian tới chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau:

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc và những thành quả của công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong những năm qua. Làm cho thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về công lao to lớn, sự hy sinh cống hiến của các thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, chu đáo các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với nước; giải quyết dứt điểm những tồn đọng về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Khuyến khích động viên, tạo điều kiện để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, để người có công tiếp tục phát huy truyền thồng cánh mạng, cống hiến làm giầu cho gia đình và xã hội.

Thường xuyên tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; đổi mới công tác quản lý nghĩa trang liệt sĩ, tiếp đón chu đáo các đoàn khách và thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công thương binh, liệt sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với các mạng. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời những điển hình tiến tiến trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa".

Công tác thương binh, liệt sĩ và người có công là lĩnh vực xã hội- chính trị, nhân văn sâu sắc, đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, đoàn thể và bản thân đối tượng phải phấn đấu không ngừng để phù hợp với quá trình phát triển của đất nước. Chúng tôi tin tưởng với sự quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Đồng chí Mùa A Sơn

(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)

Bình luận
Back To Top