Cái khó của tinh giản biên chế

08:25 - Thứ Tư, 16/08/2017 Lượt xem: 7366 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, tỉnh Điện Biên thực hiện tinh giản được 593 người, tỷ lệ trung bình mỗi năm dưới 1%, không đạt yêu cầu tối thiểu mỗi năm tinh giản từ 1,5%.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 39 tỉnh, về cơ bản, biên chế tại các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn thấp hơn tổng biên chế được giao. Cụ thể: các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổng biên chế hiện có 957/1.017 biên chế được giao; cơ quan thuộc khối chính quyền 2.232/2.287 biên chế; đơn vị sự nghiệp 21.680/22.848 người...

 

Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Noong Luống, huyện Điện Biên tiếp nhận hồ sơ của nhân dân.

Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo tỉnh, việc triển khai Nghị quyết 39 là công việc khó khăn do liên quan đến con người, lợi ích trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức; công tác đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc cơ cấu lại đội ngũ, tinh giản biên chế là khâu khó và yếu nhất trong công tác quản lý cán bộ do nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức chưa sâu sát, còn nể nang trong đánh giá dẫn đến tình trạng cào bằng đánh giá chất lượng cán bộ, tất cả đều “tốt hết” nên khi cần tinh giản thì không biết, không đủ căn cứ để giảm người nào. Vì vậy kết quả tinh giản biên chế mới chỉ thực hiện theo nguyện vọng, thực hiện chính sách, chưa đi vào thực chất tinh giản theo yêu cầu nhiệm vụ cải cách bộ máy hành chính Nhà nước; các giải pháp hỗ trợ tinh giản biên chế như: xây dựng đề án vị trí việc làm, đề án cơ cấu lại đội ngũ là những nội dung mới và chưa có hướng dẫn chi tiết cụ thể, đơn cử như tiêu chí đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; các văn bản của Trung ương chưa đồng bộ, điển hình như một số Nghị định không thuộc chức năng quản lý Nhà nước nhưng lại có quy định về chức danh, số lượng cán bộ và chế độ chính sách. Đặc biệt, vướng mắc liên quan đến quy định “giảm 2, tăng 1” về thực hiện tuyển dụng bổ sung không quá 50% số đã tinh giản, thôi việc, nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc chủ động trong tuyển dụng, sử dụng 50% biên chế dự phòng này hiện gặp nhiều khó khăn do vướng mắc từ những văn bản, hướng dẫn của Trung ương, trong khi Điện Biên là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là ngành Giáo dục - đào tạo và Y tế do yêu cầu tăng số lớp, tăng số giường bệnh, dẫn đến tình trạng “chỗ thiếu vẫn thiếu”.

Trước những vướng mắc, hạn chế trong công tác tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong thời gian tới, tỉnh xác định: Mục tiêu giảm 10% biên chế là bắt buộc, xuyên suốt lộ trình từ nay đến năm 2021, các đơn vị, ngành chuyên môn đẩy mạnh công tác nghiên cứu, rà soát, đẩy nhanh hoàn thiện Đề án sắp xếp vị trí việc làm gắn với tinh giản biên chế; khắc phục có hiệu quả sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, tinh gọn, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như Giáo dục, Y tế. Cụ thể, ngành Giáo dục cần sớm triển khai việc hợp đồng chuyển giao nhiệm vụ y tế trường học về trạm y tế địa phương; bố trí nhân viên kế toán, y tế kiêm nhiệm tại nhiều trường trên cùng địa bàn; thực hiện chủ trương đưa các lớp 3, 4, 5 về trường trung tâm nhằm tăng số học sinh/lớp theo sát quy định. Đối với ngành Y tế, sớm có kế hoạch sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng thành mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện tinh giản biên chế, xác định thực hiện tinh giản biên chế là một trong những nội dung đánh giá, xếp loại người đứng đầu hàng năm, đồng thời kiến nghị các cơ quan Trung ương có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong công tác tinh giản biên chế.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top