Kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Biết ơn những bậc tiền bối

08:32 - Thứ Năm, 17/08/2017 Lượt xem: 8823 In bài viết
ĐBP - Lần giở các tài liệu viết về Điện Biên - Lai Châu trong quá khứ biên niên, chúng ta không khỏi ngậm ngùi về một thời kỳ đau thương của nhân dân trong vùng, lại càng căm thù bọn tay sai bán nước cầu vinh...

Viện cớ làm cuộc đảo chính Pháp, tháng 3/1945 bọn hiến binh Nhật lúc nhúc kéo lên Tuần Giáo theo quốc lộ 6 và vào Phong Thổ theo quốc lộ 4D. Quân Pháp bị đánh tan tác, một số bị tiêu diệt, một số bị bắt sống hoặc đầu hàng, số còn lại men theo các con đường rừng chạy trốn sang Vân Nam (Trung Quốc), núp dưới bóng liên quân Mỹ - Tưởng Giới Thạch. Trong cuộc rút chạy nhục nhã này, Pháp không quên mang theo cả bọn tôi tớ Đèo Văn Long với ý đồ một ngày kia sẽ “đánh” Long trở lại Lai Châu.

 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Dưới bàn tay các bạo chúa Phù Tang, bộ máy tay sai phản động nhanh chóng được dựng lên ở nhiều nơi. Tại Tuần Giáo, tri phủ Nguyễn Văn An được cất nhắc lên làm tri châu, chánh tổng Bạc Cầm Lanh được cho lên làm bang tá. Chỉ chưa đầy 6 tháng trời, được sự dung túng của quan thầy, giới chức địa phương thả cửa cướp bóc dân lành với rất nhiều chuyện phu phen cống nạp hà phắc đau lòng. Tại thị xã Mường Lay (gọi theo địa danh hiện giờ), quan hai Ô ba ta được tên Đèo Văn Mun (em trai Đèo Văn Long) giúp sức nhanh chóng thiết lập bộ máy cai trị khắp mấy châu huyện trong vùng. Các tiểu đoàn hiến binh đóng quân ngay tại thị xã, đặt chỉ huy sở trên Đồi Cao. Từ đây, chúng liên tục tổ chức các cuộc hành binh, lần lượt đánh chiếm các huyện lỵ trong 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu ngày nay.

Tại trung tâm Mường Thanh của châu Điện Biên, với ý đồ chiếm đóng lâu dài, chúng tiến hành xây cất đồn bốt kiên cố trên đồi Lạn Chượng (pu Lang Chương). Ngoài dòng giống tên vô lại họ Đèo với bao nhiêu nợ máu, còn có rất nhiều các chức dịch bù nhìn bản xứ, bên cạnh một tên Hoa kiều Trương Ky lòng lang dạ sói. Dân chúng Điện Biên phải cống nạp cho chúng nào trâu, bò, ngựa, thóc gạo, sừng tê giác, thuốc phiện và cả các cô gái đẹp để chúng tiêu khiển sau những cuộc hành quân đốt phá không chút nương tay.

Tháng 8/1945, trong khi cuộc khởi nghĩa như triều dâng thác đổ nổ ra tại khắp các tỉnh Bắc - Trung - Nam; thì tiếc thay, ở Lai Châu chưa kịp có một tổ chức Đảng hay tổ chức cách mạng Việt Minh nào đứng ra lãnh đạo nhân dân làm cuộc binh biến lật đổ xiềng gông. Quân đội Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa quân đồng minh vào Điện Biên giải giáp quân đội Nhật. Tuy là “giải giáp quân đội Nhật”, nhưng kỳ thực Tưởng Giới Thạch lại thế chân bọn hiến binh Nhật chiếm đóng Điện Biên. Cho đến cuối năm 1945, thông qua các thương nhân từ Hà Nội lên, người Lai Châu - Điện Biên dần dần biết được thông tin về một cuộc vũ trang cách mạng giành chính quyền do Tổng bộ Việt Minh phát động trong cả nước. Đồng thời, bằng cách này cách khác, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã (tỉnh Sơn La), cũng tạo được tiếng vang và có ảnh hưởng nhất định đến phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Lai Châu.

Kể từ đây, tin vui về cuộc Cách mạng Tháng Tám như tiếp thêm sức mạnh nghị lực và lòng căm thù cho nhân dân 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu. Các đơn vị Tây Tiến của ta một mặt phải đấu tranh chống lại quân Tầu Tưởng và lũ phản động Việt Nam Quốc dân Đảng, một mặt phải kịp thời chuyển phương án tác chiến sang đấu tranh chống âm mưu chiếm đóng lâu dài của thực dân Pháp. Trên các địa bàn Tuần Giáo, Quỳnh Nhai và Điện Biên, các chiến sĩ Tây Tiến chủ động mở những cuộc tấn công dữ dội vào các khu đồn trú Pháp... Mặc dù chiến đấu với tinh thần quả cảm, song bộ đội ta lúc ấy mới thành lập, kinh nghiệm chiến trường ít, trang bị vũ khí thô sơ, lại chưa biết vận dụng hình thức chiến tranh du kích nhân dân, nên bị nhiều thương vong. Cho tới đầu năm 1946, toàn tỉnh Lai Châu trở thành vùng chiếm đóng đầu tiên của Pháp trên lãnh thổ miền Bắc...

Kỷ niệm lần thứ 72 Cách mạng Tháng Tám, ôn lại một vài ký ức đau thương qua các trang chính sử về Lai Châu trước đây và Lai Châu - Điện Biên ngày nay, để thế hệ trẻ thấy được cái giá của độc lập - tự do mà cha ông ta đã phải trả bằng bao nhiêu xương máu. Trên đời, không có hạnh phúc nào đổi được bằng hoa hồng và mật ngọt, mỗi tấc đất Lai Châu - Điện Biên có sự hy sinh của những người giữ đất. Xin hãy vì Điện Biên mà chung lòng góp sức nhiều hơn nữa, đó là cách chúng ta bày tỏ lòng biết ơn những bậc tiền bối đã ngã xuống cho Điện Biên mãi mãi trường tồn trong ánh hào quang!

Hồng Kỳ
Bình luận
Back To Top