Nguyên vẹn âm vang Tháng Tám lịch sử

08:14 - Thứ Sáu, 18/08/2017 Lượt xem: 6168 In bài viết
ĐBP - Tháng 8/1945, dưới ngọn cờ hiệu triệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), dân tộc ta đã nhất tề đứng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đã 72 năm trôi qua nhưng khí thế hào hùng của mùa thu cách mạng năm ấy vẫn luôn âm vang, là niềm tự hào, động lực cổ vũ thế hệ hôm nay thêm vững tin tiến về phía trước.

 

Các cựu chiến binh gặp gỡ, ôn lại lịch sử nhân dịp những ngày lễ lớn của đất nước. Ảnh: Đức Linh

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Phe Đồng minh liên tiếp giành thắng lợi, phát xít Đức và quân đội Nhật lần lượt đầu hàng vô điều kiện. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào Đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng. Trước tình thế đó, tháng 8/1945, Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước: “...Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày đêm sau đó, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở khắp các tỉnh thành. 25 triệu đồng bào cả nước đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh của gần một triệu người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Thời điểm đó, Cách mạng Tháng Tám đến với Lai Châu (khi đó bao gồm 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và huyện Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La ngày nay) muộn hơn so với các địa phương khác bởi giao thông cách biệt, đi lại rất khó khăn, lại bị chế độ thực dân phong kiến quản chế chặt chẽ, kìm hãm nặng nề và chưa phát triển được tổ chức đảng lãnh đạo nhân dân. Duy nhất tại châu Quỳnh Nhai, ngày 17/10/1945, nhóm cách mạng do ông Điêu Chính Chân (xã Mường Chiên, châu Quỳnh Nhai) đứng đầu nổ súng mở cuộc khởi nghĩa. Với tính chất bất ngờ, chỉ trong đêm ngày 17, các căn cứ của địch đã bị chiếm giữ, chính quyền về tay lực lượng khởi nghĩa. Ngay hôm sau (ngày 18/10), vào 8 giờ sáng, một cuộc mít tinh được tổ chức tại sân vận động châu. Dưới cờ đỏ sao vàng, ông Điêu Chính Chân thay mặt lực lượng khởi nghĩa đọc lại Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, công bố danh sách Ủy ban lâm thời của châu do ông làm Chủ tịch, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ và chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, đất nước, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám có giá trị lịch sử to lớn, để lại nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Nhưng có lẽ bài học có ý nghĩa sâu sắc nhất là khẳng định sự lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng, phát huy cao độ lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giành thắng lợi khi thời cơ chín muồi.

Hiện nay, những bài học từ Cách mạng Tháng 8 vẫn có ý nghĩa thực tiễn quý báu; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân luôn phải khắc ghi giá trị lịch sử, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn. Đối với tỉnh Điện Biên cũng vậy, để tiến lên phía trước, thế hệ đi sau, đặc biệt là thanh niên ngày nay cần hiểu và trân trọng lịch sử, thành quả Cách mạng Tháng 8. Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho rằng: Các thế hệ đi trước cũng có trách nhiệm trong nhiệm vụ này. Do đó, phải tích cực, tăng cường giao lưu giữa các thế hệ, nói chuyện, tuyên truyền các sự kiện lịch sử, khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử dân tộc. Qua đó, giúp lớp trẻ hiểu được giá trị lịch sử của các thời kỳ cách mạng nói chung, Cách mạng Tháng 8 nói riêng, thời cơ, vận hội của đất nước và ý nghĩa, bài học kinh nghiệm đối với giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đồng thời, các cơ quan, đoàn thể, trường học cũng cần chủ động xây dựng các chương trình lồng ghép học tập, giao lưu, trò chuyện giữa thanh, thiếu niên với các cựu chiến binh về lịch sử dân tộc, lòng yêu nước nhân các ngày lễ lớn. Những năm qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh cũng đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt, giao lưu giữa các thế hệ cựu chiến binh, tham gia trò chuyện với các tân binh, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Sắp tới Hội dự định phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức thêm nhiều buổi trò chuyện với đoàn viên, thanh niên nhân những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Không quên đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tuổi trẻ Điện Biên luôn khắc ghi lịch sử, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, của mảnh đất Điện Biên lừng lẫy năm châu. Đồng chí Đặng Thành Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, cho biết: Các tổ chức đoàn trong toàn tỉnh thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ, động viên gia đình người có công với cách mạng; thắp nến tri ân, dọn dẹp các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm; huy động xây dựng nhà nhân ái, nhà tình nghĩa cho gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn... Tuổi trẻ Điện Biên không ngại khó khăn, vất vả, luôn nhiệt huyết, xung kích tình nguyện vì cộng đồng, vì an sinh xã hội. Tuy nhiên trong giai đoạn thông tin đa chiều, nhiều thách thức như hiện nay đòi hỏi thế hệ trẻ không được lơ là trước mọi luận điệu xuyên tạc của kẻ thù; hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng Tháng 8 đã mang lại để thừa kế, vận dụng và phát triển vào công cuộc đổi mới đất nước. Vì vậy các tổ chức đoàn cần chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống, thông tin lịch sử cho thanh niên; định hướng, là cầu nối để đưa các giá trị truyền thống đến với thanh niên thông qua nhiều phương tiện, hình thức, các kỳ sinh hoạt đoàn, hội, các hoạt động tham quan, về nguồn... Đồng thời phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top