Vấn đề hôm nay

Gần hơn với cơ sở

08:13 - Thứ Tư, 23/08/2017 Lượt xem: 8006 In bài viết
ĐBP - Mới đây, UBND tỉnh đã tổng kết Quyết định 182/2012 về phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành giúp đỡ các xã khó khăn, giai đoạn đến năm 2015.

Thông tin có được, qua 6 năm triển khai thực hiện, các sở, ban, ngành được phân công giúp đỡ xã khó khăn đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp cùng Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã rà soát, điều tra hộ nghèo, nắm tình hình phát triển kinh tế xã hội; tư vấn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, mở nhiều lớp tập huấn cho người dân thôn bản tại các xã khó khăn, xây dựng mô hình thí điểm có hiệu quả. Các sở, ngành cũng kêu gọi tài trợ, huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án để giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Một số sở, ngành hỗ trợ, giúp đỡ trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của cán bộ xã; hỗ trợ chăn ấm, quần áo, sách vở... cho gia đình nghèo, khó khăn, hộ chính sách vào dịp lễ, tết... Qua đó đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn từng xã nghèo.

Tuy nhiên, do các xã đặc biệt khó khăn đều nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, nên việc quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên. Phần lớn các đơn vị được phân công giúp đỡ xã khó khăn mới chỉ dừng ở bước hỗ trợ về vật chất, chưa tham gia nhiều vào công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của các xã...

Đây là đợt tổng kết thứ 2 của UBND tỉnh về chủ trương giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn. Do vậy, nhiều kinh nghiệm hay được đại biểu các sở, ngành, huyện, thị và lãnh đạo cấp xã phát biểu tại hội nghị. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu, ngày 17/8/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 708/QĐ-UBND về việc phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn đến năm 2020.

Tinh thần Quyết định 708 của UBND tỉnh là yêu cầu các sở, ban, ngành gần hơn với cơ sở. Vì rằng, giai đoạn trước, nhiều sở, ngành giúp xã theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Cả năm có khi chỉ xuống xã một vài lần, thời gian chỉ vài tiếng đồng hồ. Hình thức hỗ trợ chủ yếu là mang xuống cho chút quà mà không nắm sâu các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tỉnh đặt ra.

Để Quyết định 708 của UBND tỉnh “đi vào cuộc sống”, thì các sở, ngành cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với Đảng ủy, chính quyền các xã khó khăn rà soát, cập nhật thông tin về kinh tế - xã hội, giúp xã xây dựng định hướng phát triển gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo đề án các huyện được duyệt. Tăng cường hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ mới, các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông, lâm nghiệp cho người dân. Một mặt, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các xã đã đề ra (gồm triển khai thực hiện dự án đầu tư, phát triển sản xuất, kêu gọi thu hút đầu tư...). Với các xã nghèo, rất cần rà soát, nắm rõ tình hình phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, an sinh xã hội, y tế... để có hướng giúp đỡ hiệu quả nhất. Cùng với đó, giúp xã xây dựng, củng cố hệ thống chính trị (gồm quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở). Các sở, ngành thường xuyên cử cán bộ trực tiếp xuống giúp xã. Thời gian xuống cơ sở phải lâu hơn, có chương trình, kế hoạch cụ thể mỗi lần về xã công tác; báo cáo cơ quan Thường trực về giúp xã đặc biệt khó khăn của UBND tỉnh theo định kỳ; không nên về cơ sở theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” dễ gây định kiến trong cán bộ, nhân dân xã nghèo. Việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn cũng cần chú trọng. Vì nếu chính trị không ổn định thì khó phát triển kinh tế. Khi người dân hoang mang, lo lắng, tinh thần luôn dao động, không yên tâm, tu chí làm ăn, thì rất khó xây dựng làng bản ấm no, yên bình được.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top