Hội đồng Dân tộc Quốc hội giám sát chính sách giao đất, giao rừng tại huyện Điện Biên Đông

16:33 - Thứ Năm, 24/08/2017 Lượt xem: 8686 In bài viết
ĐBP - Ngày 24/8, đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đi giám sát “Tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 – 2016” trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. Cùng đi với đoàn giám sát có các đồng chí: Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc Quốc hội thăm gia đình được giao rừng ở bản Na Phát C, xã Na Son.

Sau khi giám sát công tác giao đất, giao rừng tại xã Na Son, đoàn giám sát đã làm việc với lãnh đạo huyện Điện Biên Đông về công tác giao đất, giao rừng thời gian qua. Từ năm 2012 đến nay, huyện Điện Biên Đông đã giao 19.454,07ha/29.464,3ha rừng cho cộng đồng dân cư (đạt 69,1% kế hoạch), 100% diện tích giao được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; số cộng đồng được giao là 159/231 bản, chiếm tỷ lệ 87,8%. Loại đất rừng đã giao gồm: 19.399,55ha rừng tự nhiên; 54,52ha rừng trồng. Về giao đất, giao rừng cho hộ gia đình dân tộc thiểu số, tổng diện tích đã giao từ năm 2012 đến nay là 1.690,57ha (đất có rừng 579,91ha; đất trống 1.110,66ha), đạt 42,5% so với diện tích dự kiến giao; 916 hộ gia đình đã được giao, đạt 26,2% kế hoạch. Diện tích rừng được các hộ gia đình trồng giai đoạn 2006 – 2016 là 723ha, trong đó: Trồng rừng phòng hộ  235,76ha; trồng rừng sản xuất 135,4ha; 528.174 cây trồng phân tán (tương đương 352ha). Từ năm 2011 – 2016 các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện đã được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với tổng số tiền trên 918 triệu đồng; tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR là trên 17.852ha.

Một số hạn chế trong giao đất giao rừng trên địa bàn thời gian qua là công tác quản lý, bảo vệ rừng của các hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhìn chung chưa tốt, hiệu quả thấp, vẫn còn tình trạng hộ gia đình, cá nhân tự ý khai thác để làm nhà hoặc mục đích khác. Công tác tổ chức sản xuất của cộng đồng dân cư và hộ gia đình sau khi giao chưa tốt; tỷ lệ che phủ rừng đạt thấp (25,1%).

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh: Địa phương cần giao đất, giao rừng cho cộng đồng trước khi giao cho hộ gia đình nhằm đảm bảo tính trách nhiệm đồng thời lường trước những nguy cơ về xung đột quyền lợi của cộng đồng, cá nhân trước Nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ, phát triển rừng; giảm diện tích nương rẫy; canh tác theo mô hình “rừng trên - ruộng, vườn dưới”; thực hiện tốt các chính sách tạo sinh kế, đào tạo nghề, chi trả các nguồn hỗ trợ bảo vệ rừng… để người dân gắn bó với rừng.

Tin, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top