Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội làm việc tại tỉnh Điện Biên

18:47 - Thứ Sáu, 08/09/2017 Lượt xem: 8090 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 8/9, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội do đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh; thăm, kiểm tra công tác thi hành Luật Giáo dục tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Dự và làm việc với đoàn có đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ…

 

Đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. 

Báo cáo tình hình thi hành Luật Giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong việc thực thi luật trên địa bàn: Một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chưa thống nhất dẫn đến việc triển khai và tổ chức thực hiện ở cơ sở vẫn còn bất cập; đối tượng áp dụng ở một vài văn bản còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; một số chế độ, chính sách còn chưa hợp lý (chế độ phụ cấp thu hút, chế độ thâm niên, đào tạo, bồi dưỡng…). UBND tỉnh kiến nghị nghiên cứu hợp nhất một số văn bản chưa hợp lý, tránh chồng chéo, bất cập; sửa đổi, bổ sung một số thông tư, nghị định để đảm bảo quyền lợi của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tăng mức chi đầu tư phát triển, điều chỉnh, bổ sung chi thường xuyên cho ngành Giáo dục và Đào tạo; thành lập trường đại học tại Điện Biên; nâng mức học bổng học sinh nội trú lên 100%, học sinh bán trú lên 60%, trẻ mẫu giáo 3 – 5 tuổi bằng 20% mức lương cơ sở/tháng… Ngoài ra, UBND tỉnh đề xuất bổ sung 1 điều về trường đạt chuẩn quốc gia, sửa đổi điều 11, 21, 31, 38, 77, 78 của Luật Giáo dục.

Làm việc với đoàn giám sát, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nêu ý kiến giao quyền xét tốt nghiệp THPT cho các cơ sở giáo dục, quyền tổ chức thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cho các trường; liên thông giữa các cấp học, tạo điều kiện cho cấp học phổ thông làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng bộ tiêu chí và lộ trình thực hiện để giảm quy mô, số lượng các trường đại học, giảm chỉ tiêu đào tạo đại học theo sát dự báo cơ cấu lao động và cơ cấu ngành nghề. Về Luật Giáo dục, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đề xuất sửa đổi, bổ sung điều 14, 29, 31, 42, 62, 81, 88.

Tại các buổi làm việc, đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các nội dung, đóng góp ý kiến liên quan đến công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh THPT; phân cấp trong quản lý các trường cao đẳng; vấn đề thực hiện các trường liên cấp; tính toán bố trí biên chế giáo viên, phân bố các trường, điểm trường cho phù hợp; chính sách đối với nhà giáo và người làm công tác quản lý giáo dục; đổi mới giáo dục (đổi mới sách giáo khoa, đổi mới kỳ thi…).

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao chất lượng giáo dục, công tác triển khai, thực hiện Luật Giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ngoài ghi nhận, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị đã nêu, đồng chí Ngô Thị Minh mong muốn UBND tỉnh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn xem xét, nghiên cứu một số các nội dung: Nên hay không sát hạch lại đội ngũ giáo viên; quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; xã hội hóa và đầu tư cho giáo dục… để tiếp tục đề xuất làm cơ sở xây dựng hướng sửa đổi Luật Giáo dục trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top