Tiếp thu 12 ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)

19:00 - Thứ Sáu, 08/09/2017 Lượt xem: 7363 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (8/9), tại khách sạn Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN & MT) của Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) vùng Tây Bắc. Dự Hội thảo có gần 100 đại biểu các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái. Đồng chí Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT và đồng chí Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT chủ trì Hội thảo. 

 

Đại biểu tham gia góp ý kiến tại hội thảo.

 
Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 111 Điều, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản... So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, Dự thảo Luật (sửa đổi) tăng thêm 23 Điều và bổ sung 4 chương mới gồm: Chế biến, thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Luật (sửa đổi) được thiết kế theo hướng quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế – xã hội, gồm các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.

Đại biểu dự Hội thảo đã tham gia góp ý kiến cả về quan điểm, định hướng quản lý cũng như các nội dung cụ thể của từng điều khoản trong Dự thảo Luật (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua. Tổng cộng, có 12 ý kiến với 70 điểm, mục tập trung vào 9 nội dung lớn: Tên gọi của Luật; chính sách phát triển lâm nghiệp; các vấn đề về sở hữu rừng, giao đất, giao rừng, quy hoạch rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; quyền và nghĩa vụ chủ rừng; các vấn đề về tổ chức quản lý rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, phòng hộ; khai thác, sử dụng rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; vấn đề trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lâm nghiệp…

 

Đại biểu thăm nhà máy chế biến tre VJC tại xã Nà Nhạn. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT, Phùng Đức Tiến đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý xây dựng Dự thảo Luật (sửa đổi), Ủy ban KHCN&MT tiếp thu để xây dựng Báo cáo thẩm tra, chỉnh lý Dự thảo Luật (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu dự Hội thảo đã đi thăm 2 mô hình do tổ chức JICA hỗ trợ tại Điện Biên, gồm: Mô hình trồng và bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Pá Khoang và Nhà máy chế biến tre xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên).

Mô hình trồng và bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Pá Khoang được thực hiện từ năm 2016, thực hiện trồng 115,15ha rừng đặc dụng và sản xuất. Đến nay đã thực hiện trồng hơn 74ha; hỗ trợ gần 4.000 cây giống cho 826 hộ thuộc 21 bản của xã Pá Khoang. Dự án còn có các hoạt động: Hỗ trợ người dân điều chỉnh quy ước thôn bản về quản lý và bảo vệ rừng, hỗ trợ đội tuần tra bảo vệ rừng, hỗ trợ người dân phát triển sinh kế (nuôi cá, trồng cây ăn quả, kỹ thuật nuôi ong). 

Tin, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top