UBTVQH xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao

15:52 - Thứ Ba, 12/09/2017 Lượt xem: 6028 In bài viết
Tại phiên họp thứ 14 diễn ra vào chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (TDTT) do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày cho biết, Luật TDTT được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Qua tổng kết thực tiễn mười năm thi hành, có thể khẳng định Luật TDTT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đọc tờ trình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay Luật TDTT đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể như: một số điều, khoản của Luật có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế; một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; một số hoạt động TDTT phát sinh trong thực tiễn cần phải có sự quản lý trong khi Luật hiện hành chưa có quy định…

“Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy TDTT nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, Tờ trình khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động TDTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật...

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT; cho rằng, dự án Luật được xây dựng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật TDTT năm 2006; bổ sung những vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến hoạt động TDTT; đồng thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy TDTT phát triển trong thời gian tới.

Đề cập đến các vấn đề cụ thể, các thành viên UBTVQH đã tập trung thảo luận về những nội dung cụ thể liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật; phát triển TDTT quần chúng; thi đấu thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao; phát triển thể thao chuyên nghiệp và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; đất đai dành cho TDTT; tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao; quan điểm xã hội hóa và các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực TDTT...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị dự án Luật nên sửa đổi, tập trung mạnh vào thúc đẩy 2 mảng chính là thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Về thành tích cao, nên hướng đến đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư cho các môn thể thao thi Olympic, không nên đầu tư dàn trải; tương tự về thể thao quần chúng cũng cần sửa đổi, hướng mạnh đến vấn đề về chất lượng.

Đồng thời, trong sửa đổi cũng cần hết sức quan tâm đến các chính sách phát triển hệ thống các huấn huyện viên; có các cơ chế, chính sách thỏa đáng trong chăm lo cho các vận động động viên, nhất là những vận động viên có nhiều thành tích bởi theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển: “Trong sự nghiệp, họ đã đổ rất nhiều mồ hôi, xương máu, thậm chí họ còn phải hy sinh cả hạnh phúc cá nhân của mình”.

Về đặt cược thể thao, có ý kiến đề nghị cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu, bổ sung quy định về đặt cược thể thao, giao Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục các hoạt động TDTT được phép kinh doanh đặt cược nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí  điểm đặt cược bóng đá quốc tế, cần có thời gian tổng kết, đánh giá trước khi quy định trong Luật, vì vậy, chưa nên quy định về đặt cược thể thao cũng như các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến đặt cược thể thao trong Dự thảo Luật. 

Bày tỏ quan điểm nên xây dựng quy định về đặt cược thể thao, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng cần phải có phân tích thuyết phục và cụ thể hơn; bảo đảm tính nguyên tắc, an ninh trật tự trong đặt cược thể thao và nguồn thu từ đặt cược phải được sử dụng để đầu tư cho phát triển TDTT.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần phân tích rõ hơn, đầy đủ những hạn chế, tồn tại qua thực tiễn mười năm thi hành Luật TDTT để xác định phạm vi điều chỉnh, sửa đổi sát hơn nữa với yêu cầu thực tế.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án Luật phải có các quy định cụ thể để khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới trong TDTT.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần đặc biệt quan tâm bổ sung chính sách khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao; huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các phong trào thể thao; nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm phát triển thể thao chuyên nghiệp, xây dựng thể thao nhà nghề theo kịp xu hướng phát triển của thể thao thế giới; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động TDTT; thúc đẩy phát triển thể thao học đường...

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top