Thẳng thắn và trách nhiệm

09:07 - Thứ Tư, 13/09/2017 Lượt xem: 6137 In bài viết
ĐBP - Trong 2 ngày 7 - 8/9, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội do đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại tỉnh ta về công tác thực thi Luật Giáo dục. Cùng làm việc với đoàn, đại diện cho đội ngũ nhà giáo, người làm công tác quản lý giáo dục đã thẳng thắn nhìn vào thực tiễn, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

Thẳng thắn nhìn vào thực tiễn

Trong 2 ngày làm việc tại Điện Biên, đoàn giám sát đã có 4 buổi làm việc với các đơn vị: UBND huyện Mường Ảng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện; Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; UBND tỉnh và Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Tại mỗi buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã thẳng thắn nhìn vào thực tiễn trong quá trình triển khai Luật Giáo dục hiện nay, giúp cho đoàn giám sát có cái nhìn tổng quan về thực trạng giáo dục tỉnh nhà. Trong đó có nhiều vấn đề đang là “nút thắt” gây khó khăn cho sự phát triển của giáo dục địa phương. Không thể không kể đến việc một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp chưa thống nhất dẫn đến việc triển khai và tổ chức thực hiện ở cơ sở vẫn còn bất cập; đối tượng áp dụng ở một vài văn bản còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; một số chế độ, chính sách còn chưa hợp lý, như: Chế độ phụ cấp thu hút, chế độ thâm niên, chế độ đào tạo, bồi dưỡng… Chính sách tiền lương thấp, chưa tương xứng với công sức làm việc, chưa đáp ứng được nhu cầu trang trải cuộc sống của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; do vậy, trong thời gian gần đây có một bộ phận đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có tư tưởng xin thôi việc hoặc chuyển công tác khác. Đây là khó khăn rất lớn đối với ngành bởi nếu đội ngũ giáo viên không yên tâm công tác thì khó có thể chú tâm vào chất lượng chuyên môn. Về phân cấp trong quản lý giáo dục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Quý, người đã nhiều năm đảm đương phụ trách ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà cho rằng, hiện còn nhiều bất cập. Ví dụ như tại cấp huyện, ngành giáo dục phụ trách chuyên môn nghiệp vụ, còn các nguồn lực, con người từ THCS trở xuống thuộc về địa phương, nhưng cách thức quản lý ở địa phương không được phân cấp rõ. Thế mới có chuyện bi hài là, không được tuyển giáo viên nhưng trưởng phòng giáo dục cấp huyện luôn phải “giơ đầu chịu báng” khi bị phê bình về chất lượng đội ngũ, chất lượng giảng dạy. Còn về giáo dục chuyên nghiệp, hiện nay có quá nhiều trường đại học, cao đẳng thuộc nhiều Bộ chủ quản, nhưng hoạt động không thực sự hiệu quả, đào tạo tràn lan, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Việc phân luồng, giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT còn nhiều khó khăn khi mà đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo về chất lượng, chương trình đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu xã hội, nặng về lý thuyết, chưa chú trọng thực hành...

Một vấn đề khác được các đại biểu hết sức quan tâm đó là thực trạng biên chế ngành giáo dục. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Quý phân tích: Trong thời gian qua, việc thành lập trường tại các xã mới tràn lan, có xã có đến 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học. Thêm trường là thêm hiệu trưởng, hiệu phó, bộ máy hành chính “phình” lên thêm 7 - 8 người. Đội ngũ giáo viên thì chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu, như thừa giáo viên THCS nhưng giáo viên mầm non lại thiếu. Ngoài ra, biên chế y tế học đường hết sức lãng phí. Ví như tại 1 xã có 5 trường, 5 biên chế y tế học đường thì chỉ có 1 người làm chuyên môn còn lại chủ yếu chỉ làm hành chính mà thôi.

Những ý kiến tâm huyết...

Từ kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với giáo dục tỉnh nhà, với trách nhiệm của mình, nhiều ý kiến tâm huyết của những nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục gửi lên Quốc hội thông qua đoàn giám sát. Một trong số đó là việc nên hay không nên bỏ kỳ thi THPT. Đồng chí Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở GD&ĐT nêu ý kiến: Nếu bỏ kỳ thi THPT nên rút kinh nghiệm từ việc bỏ thi tốt nghiệp THCS để lường trước các hệ lụy có thể xảy ra. Còn nếu phân cấp cho địa phương xét tốt nghiệp thì cần có lộ trình cụ thể, đồng thời, có quy định rõ ràng công tác thanh tra, giám sát như thế nào? Bộ đề do Bộ GD&ĐT quản lý hay giao cho địa phương? Quan trọng nhất là không nên đánh giá thành tích tốt nghiệp để tránh số liệu “ảo”. Cả quá trình này cần thận trọng chứ chưa nên triển khai ngay trong năm 2018. Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Sở GD&ĐT, đồng chí Lê Văn Quý còn cho rằng, Bộ GD&ĐT không nên vội vàng, chưa đủ điều kiện chưa nên cho thay sách giáo khoa mới. Cần có lộ trình thí điểm từ đó rút kinh nghiệm rồi mới triển khai sẽ tốt hơn. Ngoài ra, nên giữ nguyên biên chế của 2 ngành giáo dục, y tế để đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi khó khăn. Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ không kiến nghị tăng biên chế mà nghiên cứu sắp xếp, bố trí lại mạng lưới trường lớp sao cho giảm biên chế hành chính, tiết kiệm đội ngũ giáo viên. 

Cùng với đó, quan điểm chung của nhiều đại biểu là cần có mức điểm sàn dành riêng cho ngành sư phạm để các thầy, cô giáo tương lai đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ, không nên để xảy ra việc điểm sàn thấp như đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua. Bởi đây là đối tượng chủ yếu thực thi Luật Giáo dục cũng như bảo đảm chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh nhà. Đồng thời, các đại biểu kiến nghị nghiên cứu hợp nhất một số văn bản chưa hợp lý, tránh chồng chéo, bất cập; sửa đổi, bổ sung một số thông tư, nghị định để đảm bảo quyền lợi của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng mức học bổng học sinh nội trú lên 100%, học sinh bán trú lên 60%, trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi bằng 20% mức lương cơ sở/tháng... để đảm bảo đời sống cho người học.

Qua những cuộc thảo luận, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đại diện cho đoàn giám sát, đồng chí Ngô Thị Minh đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của các đơn vị đoàn tới thăm và làm việc. Đó đều là những ý kiến đóng góp chất lượng, xuất phát từ kinh nghiệm, tâm huyết của đội ngũ những người làm công tác giáo dục tỉnh nhà. Mong rằng, từ thực tiễn hoạt động, địa phương và cơ sở giáo dục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Giáo dục hiện hành...

Sơn Nam
Bình luận
Back To Top