Tháo gỡ hạn chế về sử dụng ngân sách với một số hoạt động đối ngoại

14:46 - Thứ Tư, 13/09/2017 Lượt xem: 7271 In bài viết
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại được phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét vào sáng 13/9.

Tờ trình xin ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại khẳng định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chế độ, chính sách của Nhà nước trong công tác đối ngoại bộc lộ những tồn tại, hạn chế, trong đó cơ chế quản lý, sử dụng ngân sách cho hoạt động đối ngoại Nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp quy.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị định.

Đồng thời, hoạt động đối ngoại không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn triển khai ở ngoài nước thông qua 98 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài thuộc các bộ, cơ quan Trung ương. Theo đó, hoạt động đối ngoại không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà còn phải tuân thủ các công ước quốc tế năm 1961, 1963; hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước sở tại, pháp luật nước sở tại.

Mặt khác, nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa bao quát các nội dung đặc thù của cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đối ngoại ở ngoài nước (đặc biệt đối với nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sự không tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.

Để hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả, kịp thời, phù hợp với đặc thù công tác đối ngoại, đồng thời giúp tháo gỡ những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách áp dụng trong lĩnh vực đối ngoại, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại là thực sự cần thiết.

Tờ trình cũng cho biết quan điểm xây dựng Nghị định này là cụ thể hóa Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về những định hướng chính sách ưu tiên đối với hoạt động đối ngoại.

Hệ thống hóa các chế độ, chính sách và quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm các hoạt động đối ngoại tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trên cơ sở phát huy những mặt tích cực, phù hợp với thực tiễn và khắc phục tồn tại trong quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý ngân sách Nhà nước nói chung và trong lĩnh vực đối ngoại nói riêng.

Tờ trình cũng nêu rõ mục tiêu là xây dựng khuôn khổ pháp lý đồng bộ trong quản lý ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện tập trung triển khai các nhiệm vụ đối ngoại nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; kiên quyết đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hữu nghị, hợp tác bình đẳng phục vụ phát triển. Tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách trong hoạt động đối ngoại. Đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương với 19 điều, quy định về nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; lập dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản bày tỏ đồng tình về sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị định; đồng thời tập trung đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề liên quan đến căn cứ pháp lý xây dựng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định; số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu được để lại một phần để bù đắp chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác thu phí theo quy định; chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ; chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chi hoạt động đối ngoại của ngân sách Trung ương và chi hoạt động đối ngoại của ngân sách địa phương;...

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội hoàn thiện một thông báo ý kiến của UBTVQH đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định, gửi Chính phủ để Chính phủ chính thức ban hành Nghị định này.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top