Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về bình đẳng giới

14:48 - Thứ Tư, 13/09/2017 Lượt xem: 6812 In bài viết
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo và người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Tại phiên họp thứ 14 diễn ra vào sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đọc Báo cáo của Chính phủ về bình đẳng giới.

Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm thực hiện trên cơ sở triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, cụ thể như: Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quan tâm tới nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; bồi dưỡng kiến thức giới, lồng ghép giới cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới và cán bộ hoạch định chính sách của các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, một số nội dung đang được các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục triển khai như: Nghiên cứu, sửa đổi Bộ chỉ tiêu thống kê giới quốc gia theo hướng lựa chọn các chỉ tiêu cần thiết, khả thi phù hợp với cam kết quốc tế và xây dựng lộ trình thực hiện; xây dựng đề án chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành, một số kết quả nổi bật trong công tác bình đẳng giới đạt được như: Cơ chế chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội được ban hành; các hoạt động nhằm tăng tỉ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được tổ chức song đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; ở cấp xã, tiêu chí về bảo đảm bình đẳng giới (có lãnh đạo nữ chủ chốt, có địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh tại cộng đồng...) đã được đưa vào áp dụng để làm căn cứ đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, còn một số hạn chế như việc triển khai công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép vào trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn tồn tại một số quy định tạo ra sự khác biệt trong thụ hưởng chính sách giữa nam và nữ, trong đó phần lớn phụ nữ là người chịu thiệt thòi hơn so với nam giới. Trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra thì chỉ có 6 chỉ tiêu đạt (chiếm tỉ lệ 27,3%) và có đến 16 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa đánh giá được (chiếm tỉ lệ 72,7%)...

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo và người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng quy định về bình đẳng giới.

Tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới. Thực hiện sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2015-2020, Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển trong nước, quốc tế, bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho công tác bình đẳng giới. Nghiêm túc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, hoạt động, dự án nhằm tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có hướng tới việc phấn đấu bảo đảm các chỉ tiêu của Chiến lược.

Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và các cơ quan dân cử, đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ dân tộc thiểu số.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top