Xây dựng Quy hoạch vùng phục vụ hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

09:39 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 7943 In bài viết
ĐBP - Ngày 21/9 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn báo cáo về Quy hoạch vùng tỉnh Ðiện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch). Xây dựng Quy hoạch vùng sẽ là một công cụ phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy hoạch tốt không chỉ cung cấp luận cứ, tầm nhìn, định hướng và mục tiêu phát triển dài hạn mà còn góp phần vào việc hoạch định kế hoạch 5 năm, hàng năm cũng như các chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phạm vi lập Quy hoạch được xác định là toàn tỉnh Ðiện Biên với tổng diện tích 9.541,25km2, dân số trên 547 nghìn người. Ðồ án đã xác định mục tiêu, tính chất, các dự báo phát triển và nội dung quy hoạch. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, tiềm năng, định hướng chiến lược… để đưa ra định hướng phát triển không gian vùng; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Tầm nhìn đến năm 2050, Ðiện Biên sẽ là vùng không gian phát triển bền vững; là một trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia; có môi trường dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch chất lượng tốt; vùng biên giới phát triển, ổn định, vững mạnh.

 

Khu vực trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ với hệ thống cơ sở hạ tầng, đô thị ngày càng được chỉnh trang hoàn thiện. Ảnh: V.T.C

Theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) - đơn vị tư vấn lập đồ án Quy hoạch, thì: Yêu cầu đặt ra là xây dựng Quy hoạch phục vụ phát triển Ðiện Biên cho tương xứng, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, bảo vệ rừng, phát huy bản sắc văn hóa, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Quy hoạch phân thành 3 vùng phát triển: Tiểu vùng 1 là vùng kinh tế động lực quốc lộ 279 (bao gồm TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng, Tuần Giáo), đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; tập trung phát triển du lịch và sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa; gắn với cửa khẩu Tây Trang, Huổi Puốc để hình thành hệ thống thương mại - dịch vụ và du lịch trọng điểm của tỉnh; là đầu mối giao thông vùng - quốc gia; TP. Ðiện Biên Phủ là trung tâm tiểu vùng. Tiểu vùng 2 là vùng kinh tế lâm - nông nghiệp sinh thái sông Ðà (bao gồm thị xã Mường Lay và 2 huyện Tủa Chùa, Mường Chà) nhằm phát huy lợi thế giao thông đường thủy trên sông Ðà, sông Nậm Mức và các trục quốc lộ 6, quốc lộ 12 để phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa, du lịch sinh thái và công nghiệp chế biến lâm sản gắn với trồng rừng; thị xã Mường Lay là trung tâm của vùng. Tiểu vùng 3 là vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé (gồm 2 huyện Nậm Pồ và Mường Nhé), phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; phát triển du lịch sinh thái và thương mại - dịch vụ qua cửa khẩu biên giới; trung tâm của vùng là đô thị Mường Nhé.

Tuy nhiên việc lập quy hoạch phát triển vùng cần có những nghiên cứu tỷ mỷ để phù hợp với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế chung cả nước. Nhất là việc nghiên cứu, so sánh các yếu tố “đầu vào - đầu ra” quan trọng như đất đai, vốn đầu tư, nhân lực, công nghệ, thị trường và cả đánh giá tác động môi trường. Một số yếu tố như dân số, lao động, vốn đầu tư, bối cảnh tác động, phân tích lợi thế cạnh tranh, chi phí cơ hội, hiệu quả đầu tư... phải được đề cập, tính toán gắn kết có hệ thống để làm rõ các cơ sở của quy hoạch.

Ðể có đồ án quy hoạch đảm bảo phát triển bền vững, việc đánh giá hiện trạng có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nếu không chỉ rõ điểm mạnh, yếu, tiềm năng thì khó có giải pháp hiệu quả để khắc phục trước mắt và dài hạn. Ðối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, nội dung đề án cần chú ý tới quy hoạch giao thông. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ðình Giang, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải đã thẳng thắn đề nghị đơn vị tư vấn phải đánh giá hiện trạng nghiêm túc, khách quan. Việc xây dựng các đô thị trung tâm cần kết nối với xây dựng nông thôn mới. Mà để xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, phải hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn, vậy vấn đề này phải giải quyết như thế nào? Quy hoạch giao thông tỉnh Ðiện Biên phải kết nối vùng Tây Bắc, với cả nước và khu vực ASEAN, giải quyết tốt “điểm nhấn” giao thông thì sự phát triển của Ðiện Biên mới bứt phá được. Tương tự, giai đoạn 2035 - 2050, sân bay Ðiện Biên không chỉ là sân bay nội địa có hoạt động bay quốc tế mà phải trở thành sân bay quốc tế thì mới thúc đẩy phát triển - ông Giang phân tích.

Một nội dung Quy hoạch cần quan tâm là hiện trạng sử dụng đất. Hiện nay, đất lâm - nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, đất xây dựng đô thị và khu dân cư nông thôn rất ít (đất nông nghiệp chiếm 75,89% tổng diện tích đất tự nhiên, đất phi nông nghiệp 2,54% và đất chưa sử dụng là 21,57%). Theo ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thì đồ án quy hoạch mới tập trung đến cơ sở hạ tầng là chính, nếu không đề cập đến việc phát triển các ngành sẽ khó khăn cho xây dựng quy hoạch ngành sau này. Quy hoạch cần phù hợp với đặc trưng thế mạnh từng vùng.

Ðối với phát triển hệ thống đô thị, mỗi vùng có thế mạnh riêng, phải đánh giá, phân tích được tiềm năng của từng vùng tạo sự kết nối thì mới phát huy được sức mạnh tổng thể. Về định hướng phát triển TP. Ðiện Biên Phủ, để đảm bảo tiêu chí về dân số (110 nghìn người năm 2025 và 180 nghìn người vào năm 2035) sẽ mở rộng địa giới hành chính bằng việc sáp nhập 6 xã của huyện Ðiện Biên, gồm: Mường Phăng, Pá Khoang, Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Xương, Thanh An. Như thế huyện Ðiện Biên sẽ bị chia thành 2 phần: 4 xã phía Bắc tách biệt với 15 xã phía Tây và phía Nam bởi TP. Ðiện Biên Phủ nằm ở giữa.

Quy hoạch vùng tỉnh Ðiện Biên có ý nghĩa quan trọng đối với định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh. Do vậy, Quy hoạch phải được xây dựng đạt các mục tiêu như: Tích hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch phát triển không gian thành quy hoạch tổng thể; làm rõ mối liên kết vùng giữa tỉnh Ðiện Biên với vùng Tây Bắc và các địa phương khác trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như xác định vai trò, vị thế của tỉnh Ðiện Biên trong mối quan hệ vùng quốc tế.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top