Khi cán bộ thực sự là công bộc của dân (Bài 1)

10:18 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 10362 In bài viết

“Ðể làm tốt vai trò lãnh đạo, Ðảng phải là tổ chức cách mạng chân chính của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc; phải hết lòng, hết sức vì dân, vì nước, đặt lợi ích của dân tộc, của quốc gia lên trên hết, trước hết. Cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, không được xa dân” - Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ngày nào, nay lại được ông Khoàng Văn Van nhắc lại ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với tập thể cán bộ xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ khi vừa về nhậm chức Bí thư Ðảng ủy xã. Lý giải cho điều này, ông nói: “Dù là lãnh đạo hay cán bộ, đảng viên thì đều xuất phát từ dân. Chỉ khi bản thân thấm nhuần và xác định là công bộc của dân thì mới có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình”. Ông nói vậy, còn nhiều người thì quan tâm ông làm được những gì…?!

Bài 1:  Bí thư Đảng ủy với những quyết sách gây “sốc”

 
Nói những câu lâu nay chủ yếu chỉ là lý thuyết, đặt ra nhiều mục tiêu trên “trời”, và đôi khi thấy cứ gàn gàn, dở dở chẳng giống ai... Ðây là những cảm nhận của không ít người ở Chà Nưa trong những ngày đầu ông Khoàng Văn Van về nhận nhiệm vụ Bí thư Ðảng ủy xã. Nhưng rồi, cùng với thời gian, hàng loạt chủ trương, hành động quyết liệt, cụ thể và hiệu quả mang lại đã dần làm thay đổi cái nhìn của người dân về ông...

 

Ông Khoàng Văn Van cùng Ban lãnh đạo xã kiểm tra việc thi công tuyến đường lên bản Nà Cang.

Hình ảnh để lại trong lần đầu chúng tôi gặp ông Khoàng Văn Van, là dáng người hơi đậm, da ngăm ngăm, đầu trần, quần “xắn móng lợn” tham gia đào đường tuần tra bảo vệ rừng giữa cái nắng gay gắt của trưa tháng 6/2016. Hơn 1 năm sau gặp lại, nhìn có phần chỉn chu hơn, song vẫn là cái “chất” chẳng thể lẫn đi đâu. Ông cho biết, mình vừa dự một cuộc họp quan trọng ở huyện. Nghe tin có phóng viên vào thăm nên vội vượt 45km về luôn, vì không muốn để khách phải chờ lâu, một phần cũng là để kịp giờ làm việc buổi chiều.

Khi biết mục đích chuyến làm việc lần này của chúng tôi là để lấy tư liệu phục vụ bài viết về mình, ông Van tỏ ra e ngại: “Tôi có thành tích gì đâu mà viết, không Bằng khen, cũng chẳng Huân, Huy chương gì!”. Chính bởi không muốn khoa trương, nên thông tin ít ỏi về ông mà chúng tôi nắm được chỉ gói gọn trong một vài mốc thời gian. Sinh ra và lớn lên tại Chà Nưa năm 1971, ông Van là 1 trong 2 học sinh thời đó học hết lớp 8/10. Chức vụ đầu tiên ông nhận, do chính người dân tín nhiệm bầu là Bí thư chi đoàn bản Nà Ín, khi vừa tròn 20 tuổi (năm 1991). Nỗ lực phấn đấu vừa làm, lại vừa đi học thêm, rồi trải qua nhiều vị trí (giáo viên, hiệu phó, hiệu trưởng trường tiểu học, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Nậm Pồ), đến tháng 6/2015 ông Khoàng Văn Van được điều động về lại quê hương đảm nhận chức vụ Bí thư Ðảng ủy xã.

Trong câu chuyện về mảnh đất quê hương nặng nghĩa tình nơi ông Van đang đứng đầu, chúng tôi có cảm giác như ông không chỉ là người lãnh đạo đảng, mà xuất hiện trong cả vai trò của người lãnh đạo chính quyền, người làm công tác dân vận, và cả nông dân! 

Ông Thùng Văn Chăng, nguyên Bí thư chi bộ bản Nà Cang:

Tôi là chú của đồng chí Van. Lúc nghe tin cháu nó về làm Bí thư Ðảng ủy xã tôi mừng lắm, vì nghĩ sẽ “được nhờ”. Ấy thế mà nó về chưa được bao lâu thì lại động viên tôi nghỉ việc. Lúc đầu nói thật là tôi chỉ miễn cưỡng nghỉ chứ không phục. Nhưng sau thấy lớp trẻ hiểu biết hơn, làm tốt hơn nên giờ thì tôi không còn lăn tăn gì nữa!

Ở Chà Nưa và cả huyện Nậm Pồ, ông Van nổi tiếng với những phát biểu và việc làm gây “sốc” cho nhiều người. Ngay khi vừa về nhậm chức Bí thư Ðảng ủy xã, ông Van đã cho rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ từ cấp xã, đến các thôn, bản. Vẫn quan điểm, cán bộ đảng viên là nòng cốt của mọi vấn đề, nhiệm vụ; ông phân tích: “Những người có nhiệt huyết, đảm nhiệm tốt công việc tôi tiếp tục động viên. Người được giao nhiệm vụ chưa phù hợp, tôi điều chuyển cho phù hợp. Người không còn đáp ứng được yêu cầu công việc, hoặc thiếu trách nhiệm, tôi vận động nghỉ và thay thế người khác”. Ðó là lý do, trong thời gian hơn 2 năm làm Bí thư Ðảng ủy, ông Van đã thay thế 7 cán bộ không có năng lực, hoặc làm việc thiếu trách nhiệm, trong đó có cả chú của mình. Ðể thuyết phục những người cho nghỉ, ông phối hợp sử dụng cả biện pháp tuyên truyền và chứng minh bằng thực tế hiệu quả công việc từ chính những người thay thế mang lại.

Ông Khoàng Văn Chính, bản Hô Bai, xã Chà Nưa: 
Có lần, vì làm nhà tôi đã khai thác gỗ nhiều hơn số mình cần và đã được xã phê duyệt. Sau đó, khi mang gỗ thừa đi bán, thì tôi bị cộng đồng phát hiện và phạt hơn 40 triệu đồng, đúng bằng số tiền bán gỗ. Tiền phạt sau đó được nhập vào quỹ sinh hoạt chung của bản. Vì là quy ước của bản, chính tôi cũng ký, mà giờ lại làm sai nên khi được Bí thư Van giải thích rõ, tôi đã vui vẻ chấp hành!

Sau khi có được bộ máy công việc “như ý”, ông bắt đầu với những quyết sách “đổi mới quê hương”. Xác định vấn đề lương thực có thể tự giải quyết ngay từ cơ sở, năm 2016, ông chính thức từ chối nhận gạo cứu đói từ trung ương với phát biểu “Nếu phải cứu đói thì dân Chà Nưa sẽ tự cứu đói cho nhau”. Ông cũng là lãnh đạo đầu tiên cho mở cửa rừng để người dân khai thác lâm sản phụ với lý lẽ “muốn bảo vệ rừng, dân phải sống được từ rừng”. Cũng với lý lẽ này, ông là người đầu tiên đưa cây sa nhân về trồng dưới tán rừng Chà Nưa; đồng thời khéo léo tăng cường và thắt chặt các hoạt động quản lý rừng, thông qua các quy ước thôn, bản với những chế tài hết sức “mạnh tay”.

Xóa đói giảm nghèo xưa nay vẫn là một bài toán khó của nhiều địa phương, song ở Chà Nưa vấn đề chỉ là thời gian. Bí quyết mà ông Van chia sẻ đơn giản là những việc làm hết sức cụ thể; trong đó vai trò kiểm tra, giám sát của Ðảng được đề cao và phát huy tối đa. Mỗi cuộc họp giao ban diễn ra hàng tháng ở Chà Nưa đều hết sức giá trị. Tại đây, những báo cáo về công tác chỉ đạo điều hành, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở các thôn bản không còn chung chung, mơ hồ mà đi vào những nội dung, con số cụ thể. Chính nhờ căn cứ những thông tin này mà việc thống kê, rà soát hộ nghèo ở Chà Nưa luôn chuẩn xác và được thực hiện một cách nhanh chóng. Không có chuyện số liệu khen thưởng một đằng, số liệu xác định hộ nghèo một nẻo. Với cách “đánh” vào lòng tự tôn của người nghèo, ông đã thúc đẩy được tinh thần tự vươn lên của họ; và việc đăng ký thoát nghèo trở thành phong trào đối với mỗi gia đình. Khi có hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi ông dành ưu tiên cho các hộ đã đăng ký thoát nghèo nhằm động viên và tạo thêm động lực cho họ tự vươn lên; đồng thời cũng tạo động cơ để các hộ nghèo khác tiếp tục đăng ký, phấn đấu. Rồi ông cũng tự đưa ra tiêu chí “mềm” là không bình xét gia đình văn hóa cho những hộ nghèo nhưng không chịu phấn đấu, lười lao động... Bởi vậy nên, người dân nơi đây mới có câu: “Nếu có áo dành riêng cho người nghèo như chiếc áo kẻ sọc của phạm nhân thì Chà Nưa không ai muốn mặc!”.

Bài 2: Người dân được làm chủ!

Hải Yến - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top