Bài dự thi Giải "Búa liềm vàng" lần thứ hai, năm 2017

Một dự án trao niềm tin tuổi trẻ (Bài 2)

09:24 - Thứ Tư, 25/10/2017 Lượt xem: 6809 In bài viết

Bài 2: để niềm tin thắp mãi!

ĐBP - Nếu nói rằng, chặng đường 5 năm triển khai Dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện là một “phép thử niềm tin”, thì phép thử ấy đã thành công với những đội viên của tỉnh Điện Biên. Nhiều đội viên đã ghi dấu ấn tại cơ sở bằng các chương trình, sáng kiến cụ thể, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương... Song, những ngày dự án đi vào giai đoạn “nước rút” cũng chính là thời điểm nhiều người phải đặt câu hỏi “Trí thức trẻ sẽ về đâu khi dự án kết thúc?”. Và với chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh, sự quyết tâm cao của các cấp, giờ đây câu hỏi ấy được trả lời bằng việc 30/30 trí thức trẻ của dự án đã được trao thêm một cơ hội để chứng minh tâm huyết...

Thêm một lần chứng minh tâm huyết

Để chủ động “đón đầu” và tìm giải pháp gỡ khó, tháng 3/2017, trước khi dự án đi đến hồi kết, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Sở Nội vụ đã tổ chức hội nghị để bàn về những vấn đề liên quan đến “hậu” dự án. Hội nghị thống nhất cao với quyết tâm sẽ bố trí, sắp xếp công việc cho 100% đội viên, trên quan điểm còn biên chế, hoặc được bổ sung biên chế sẽ ưu tiên bố trí cho phó chủ tịch (PCT) xã là trí thức trẻ. 

Trên cơ sở này, nhiều cuộc gặp gỡ với trí thức trẻ sau đó đã được các địa phương tổ chức, nhằm tạo diễn đàn lắng nghe, trao đổi để thấu hiếu, đồng thời đề xuất phương án bố trí phù hợp nhất cho các đội viên. Với sự chủ động “đón đầu” này, ngay sau khi dự án kết thúc, ngoài 2 đội viên dừng tham gia dự án vì lý do khách quan (đã mất, xin rút khỏi dự án), Sở Nội vụ đã tham mưu cho tỉnh, bố trí đủ công việc cho 30/30 đội viên. Trong đó, 3 đội viên tiếp tục đảm nhiệm chức vụ PCT xã; 27 đội viên được bố trí làm công chức, viên chức cấp xã, huyện.

Tại huyện Mường Nhé – địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh có 6 trí thức trẻ được tăng cường theo dự án. Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: “Không thể phủ nhận những hiệu quả mà dự án mang lại đối với công tác cán bộ tại địa phương. Nhưng khi dự án kết thúc chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục bố trí công việc cho đội viên. Phải nói, tỉnh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn và kiên quyết bố trí công việc cho các đội viên. Nhờ vậy, 6/6 trí thức của huyện đều được bố trí công việc mới, trong đó 2 đội viên ưu tú được bổ nhiệm và giữ nguyên vị trí PCT xã. Trên cơ sở nắm bắt tình hình thì cho đến thời điểm này, việc bố trí sắp xếp cơ bản đã phù hợp với quy hoạch cán bộ của huyện, đặc biệt là năng lực, sở trường và nguyện vọng của đội viên”.

Giàng A Sử là 1 trong 2 đội viên trí thức trẻ của huyện Mường Nhé và được địa phương đánh giá cao trong suốt 5 năm triển khai dự án. Năm 2012 anh bắt đầu về nhận nhiệm vụ PCT UBND xã Quảng Lâm và gắn bó tại đây cho đến khi dự án kết thúc. Điểm vượt trội mà anh được các cấp ghi nhận đó là trong công tác tuyên truyền. Chính vì thế, dự án kết thúc, anh tiếp tục được tin tưởng bổ nhiệm làm PCT xã Chung Chải. “5 năm qua, tôi đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm rất thiết thực cho nhiệm vụ của tôi sau này, cho dù ở bất cứ vị trí nào. Xác định được điều đó, tôi luôn giữ vững niềm tin và chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Nay được bố trí công việc tuy là ở địa bàn khác, song vẫn giữ nguyên chức vụ và lĩnh vực cũ tôi rất phấn khởi. Tôi xem đây như một cơ hội thực sự để chứng minh bản thân” – anh Sử chia sẻ.

Chỉ sau hơn 1 tháng nhận nhiệm vụ mới, anh Sử đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc; cùng cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống 10/10 bản, nhóm dân cư toàn xã để gặp gỡ nhân dân và nắm bắt địa bàn. “Khác với Quảng Lâm, Chung Chải hiện nay đang là điểm “nóng” về thực hiện Đề án 79 và công tác trồng rừng. Đó là “bài toán khó” của Chung Chải, và giờ là thử thách lớn đối với tôi. Song tôi sẽ vận dụng tất cả kinh nghiệm của mình trong suốt 5 năm thí điểm dự án, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ” – anh Sử nói.

 

Đội viên Giàng A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải xuống cơ sở nắm bắt tình hình.

Để niềm tin thắp mãi!

Có thể nói, dẫu trên cương vị nào, thì khoảng thời gian tới đây vẫn được xem là một “phép thử” để các đội viên tiếp tục chứng minh tâm huyết, năng lực. Chỉ khi mọi thứ đã “chín”, tức là bản thân họ đã có thời gian nhất định để rèn luyện đủ cả năng lực, trình độ, tố chất lãnh đạo, nhãn quan chính trị... họ sẽ được cân nhắc và tự khẳng định mình ở những vị trí cao hơn.

Điều này cũng được chính đội viên Nguyễn Văn Quân, hiện là cán bộ văn hóa xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) khẳng định. Tham gia dự án với vị trí ban đầu là PCT UBND xã Sín Thầu (Mường Nhé). Năm 2016, Quân được điều chuyển sang xã Mường Nhé để phù hợp với yêu cầu cán bộ địa phương. Luôn chấp hành mọi sự phân công của cấp trên, ngay cả khi vị trí hiện tại là công chức xã Quân vẫn rất vui vẻ: “Trước khi đăng ký tham gia dự án em đã nghiên cứu rất kỹ và xác định tinh thần, nên khi kết thúc được bố trí làm công chức xã em không bị hụt hẫng; thậm chí mừng vì vẫn được giao lĩnh vực sở trường. Thường xuyên theo dõi thông tin về dự án, nên em biết rằng nhiều đội viên ở tỉnh khác còn thiếu may mắn hơn khi vẫn chưa được bố trí công việc”. Điều Quân mong muốn nhất hiện nay chỉ là được các cấp quan tâm tạo điều kiện, cùng với sự nỗ lực của bản thân để trong thời gian sớm nhất sẽ đưa vợ con “về một mối”, yên tâm phấn đấu.

Bài toán “hậu” Dự án 600 trí thức trẻ từng được xem là khó, song có thể nói cho đến thời điểm này Điện Biên đã cơ bản giải được. Những nỗ lực, cống hiến của trí thức trẻ là rất đáng ghi nhận; song với sức trẻ, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân chừng đó là chưa đủ. Để niềm tin đã gửi trao được thắp mãi, sẽ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị cũng như quyết tâm cống hiến của những trí thức trẻ.

Trao đổi về hướng đi cho chặng đường tiếp theo, bên lề Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án 600 tri thức trẻ tại Lào Cai, đồng chí Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn: Quan điểm của Điện Biên là vẫn sẽ tạo điều kiện và ủng hộ trí thức trẻ, nhưng sẽ có bước chuẩn bị kỹ càng cho các em tốt hơn trước khi giao đảm nhiệm vai trò quản lý. Bởi hiện nay, một số đội viên tri thức còn thiếu kinh nghiệm thực tế trong công tác quản lý, khả năng xử lý các tình huống ở cơ sở... Vì thế, họ cần có khoảng thời gian ít nhất 3 – 5 năm rèn luyện, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp. Sau khi đào tạo song địa phương sẽ có phương án chọn quy hoạch, tạo điều kiện để các em có đủ tự tin đảm nhiệm vai trò PCT xã và đạt yêu cầu đặt ra.

Nói vậy để thấy rằng, lãnh đạo địa phương đã kỳ vọng và thực sự dành sự quan tâm đến vấn đề này, đây cũng là cách để phát huy tối đa hiệu quả mà dự án hướng tới. Đó là đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ có năng lực, trình độ, “vừa hồng, vừa chuyên” cho các xã khu vực khó khăn. Đồng thời, sự cam kết sát cánh của tỉnh cũng chính là ngọn lửa thắp sáng niềm tin cho các đội viên tiếp tục khát vọng và cống hiến sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết của mình cho mảnh đất Điện Biên.

Bài, ảnh: Hải Yến - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top