Hội đồng Nhân dân tỉnh

Giám sát chuyên đề tại một số sở, ngành và thành phố Điện Biên Phủ

17:48 - Thứ Hai, 30/10/2017 Lượt xem: 7561 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề năm 2017 của HĐND tỉnh về “Việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết số 19 - 2016/NQ ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015 - 2016 và năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên”, ngày 30/10, tổ công tác số 1 do đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát dẫn đầu, làm việc với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư; tổ công tác số 2 do đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, giám sát tại Sở Tài chính, Sở Nội vụ; tổ công tác số 3 do đồng chí Lê Trọng Khôi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm tổ trưởng, giám sát tại Văn phòng HĐND – UBND, Phòng Tài chính - Kế hoạch và UBND TP. Điện Biên Phủ.

Làm việc với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành viên tổ giám sát đã trao đổi, làm rõ một số nội dung như: các phòng chuyên môn cấp huyện mong muốn Sở Kế hoạch và Đầu tư mở thêm các lớp bồi dưỡng nhằm nắm vững quan điểm, bản chất của Nghị quyết 19; vấn đề xử lý doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện vi phạm; doanh nghiệp than phiền những gì? hướng xử lý của các đơn vị ra sao? Hiện nay có sự thiếu thống nhất trong hệ thống phần mềm xử lý văn bản giữa Văn phòng UBND tỉnh với Sở Kế hoạch và Đầu tư, ảnh hưởng đến sự phối hợp, xử lý văn bản; thời gian, tỷ lệ xử lý văn bản của Văn phòng UBND tỉnh?

 

Đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Văn phòng UBND tỉnh. 

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Lò Văn Muôn cho rằng: Các đơn vị chưa thực sự nghiên cứu sâu các căn cứ pháp lý liên quan đến các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh dẫn đến việc tham mưu cho UBND tỉnh áp dụng mô hình của các tỉnh, thành khác chưa thực sự phù hợp với tỉnh ta. Cần tham mưu xây dựng kiến nghị đến Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hướng dẫn cho địa phương; làm thế nào để mỗi văn bản, hồ sơ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân đến chính quyền các địa phương, sở, ngành, Văn phòng UBND tỉnh đều mang tính “nóng”, khẩn trương được giải quyết. Phải thống nhất tìm ra giải pháp để các thủ tục hành chính, các phương án thúc đẩy, thu hút đầu tư được thuận lợi, nhanh chóng, phù hợp với đặc thù của tỉnh theo tiêu chí tuần tự “tháo gỡ - thúc đẩy – xử lý”.

 

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và tổ công tác kiểm tra bộ TTHC được niêm yết công khai tại bộ phận "một cửa" của Sở Tài chính.

Giám sát tại Sở Tài chính, Sở Nội vụ, đồng chí Giàng Thị Hoa ghi nhận kết quả thực hiện 2 nội dung của Sở Tài chính và Sở Nội vụ đạt được trong thời gian qua, đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời nhấn mạnh, 2 sở cần tiếp tục rà soát lại các TTHC, nâng cao năng lực cán bộ, công chức; chất lượng giải quyết TTHC, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

 

Đồng chí Lê Trọng Khôi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và tổ công tác kiểm tra bộ phận “một cửa” tại UBND thành phố Điện Biên Phủ. 

Giám sát tại UBND thành phố Điện Biên Phủ, tổ công tác số 3 đánh giá cao một số kết quả nổi bật: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường thông thoáng, lành mạnh, thân thiện; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển; giải quyết các vấn đề hoàn thiện môi trường, thể chế; xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư, phát triển thương mại - du lịch. Đồng thời làm rõ những hạn chế như: Trình độ cán bộ chưa đồng đều, do đó trong quá trình triển khai thực hiện còn vướng mắc; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong xây dựng và triển khai chủ trương, kế hoạch về năng lực cạnh tranh còn chậm, chưa đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác hành chính hiệu quả còn thấp, chưa theo sát với thực tế; trao đổi thông tin qua mạng nội bộ còn hạn chế, nhất là đối với cấp xã, phường do trình độ tin học còn hạn chế.

P.V
Bình luận
Back To Top