Đại biểu Quốc hội Sùng A Hồng phát biểu ý kiến tham gia về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

15:54 - Thứ Ba, 31/10/2017 Lượt xem: 10315 In bài viết
ĐBP - Sáng 31/10, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2018-2020). Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân tiện theo dõi, giám sát.


Đại biểu Quốc hội Sùng A Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Sùng A Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho rằng: Các tỉnh miền núi phía Bắc, với điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng kém phát triển, giao thông đi lại khó khăn, mặc dù cấp ủy, chính quyền các địa phương này đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng “lực bất tòng tâm”, không thể đưa tỉnh vươn lên thành tỉnh có nền kinh tế trung bình được; việc thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn do không có nhà đầu tư nào mặn mà. Qua nghiên cứu dự kiến phương án phân bổ ngân sách của các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2018, so sánh với năm 2017 thì không có gì đổi mới. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần có chủ chương, giải pháp, và có nhiều chính sách ưu tiên hơn nữa tới các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên.

Về các quy định liên quan đến đầu tư công, đại biểu đánh giá môi trường, thủ tục đầu tư thời gian qua đã được cải thiện đáng kể ở nhiều bộ, ngành, địa phương; song qua thực tế triển khai thực hiện dự án đầu tư, các văn bản quy định về đầu tư còn nhiều điểm vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các luật, nghị định, khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện, xác định nguồn vốn, công tác phối hợp; cần sớm xem xét sửa đổi, đặc biệt là Luật Đầu tư công để giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư. Ví dụ, các dự án kiên cố hóa giáo dục (đầu tư nhà lớp học) là những công trình quy mô đầu tư rất nhỏ; việc quy định trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phải trình báo cáo các bộ liên quan để thẩm định nguồn vốn cho chương trình kiên cố hóa giáo dục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ là không cần thiết, làm mất thời gian, làm tăng thủ tục hành chính. Quy định về việc quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch đối với  các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công (bao gồm cả dự phòng ngân sách và vượt thu, kết dư ngân sách) chưa phù hợp, gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu cho rằng: Mặc dù công tác bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua đã đạt được kết quả, tỷ lệ che phủ rừng liên tục tăng trong những năm qua, song chất lượng rừng ở nhiều nơi đang bị suy giảm. Thời gian qua, Đảng và nhà nước dành nhiều ưu tiên cho việc trồng rừng sản xuất, rừng kinh tế, chưa thực sự quan tâm việc khoanh nuôi, bảo vệ tái sinh rừng tự nhiên một cách hiệu quả. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa về nguồn lực, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân cộng đồng tham gia khoanh nuôi, bảo vệ tái sinh rừng tự nhiên thay vì đầu tư nhiều kinh phí để trồng rừng mà hiệu quả không cao, chất lượng rừng không tốt; xem xét, sửa đổi các quy định hiện nay về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, vì hiện sự chênh lệch mức chi là khá lớn, có những lưu vực được chi trả sáu trăm đến bảy trăm nghìn đồng 1ha/năm, có lưu vực chỉ được chi trả sáu đến bảy nghìn đồng 1ha/năm. Cần coi việc chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, là chính sách xóa đói giảm nghèo để cân đối, bố trí ngân sách nhà nước chi trả thêm cho những lưu vực có diện tích rừng lớn nhưng được trả dịch vụ môi trường rừng quá thấp, để bảo vệ rừng ở các khu vực này.

Mai Hồng
Bình luận
Back To Top