Không giới hạn ý kiến cử tri

09:52 - Thứ Tư, 01/11/2017 Lượt xem: 7353 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, Ðoàn Ðại biểu Quốc hội (ÐBQH) và ÐBQH tỉnh Ðiện Biên đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT) với nhiều hình thức và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn có một số quy định chưa thực hiện triệt để, cần khắc phục trong thời gian tới.

Là tỉnh miền núi, biên giới, cơ sở hạ tầng, nhất là “điện - đường - trường - trạm”, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, nên việc lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri và người dân được Ðoàn ÐBQH, ÐBQH tỉnh Ðiện Biên đặc biệt quan tâm. Ðể đến được với cử tri ở 130 xã, phường, thị trấn, Ðoàn ÐBQH tỉnh (khóa XIII, XIV) đã phối hợp với mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan tổ chức cho ÐBQH TXCT luân phiên tại các xã, bố trí từ 1 - 2 đại biểu tiếp xúc tại một điểm với mong muốn có thể  tiếp xúc với cử tri nhiều xã, bản hơn.

 

Cử tri xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) phát biểu, kiến nghị với Ðại biểu Quốc hội trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào đầu tháng 10 vừa qua. Ảnh: Đức Linh

Với nỗ lực đó, 5 năm qua, Ðoàn ÐBQH tỉnh đã tổ chức cho ÐBQH tỉnh TXCT 19 đợt trước và sau kỳ họp của Quốc hội, tại 176 điểm của 10/10 huyện, thị xã, thành phố với trên 20.000 cử tri tham gia. Các ÐBQH đã vượt qua khó khăn về giao thông, bất đồng ngôn ngữ để tuyên truyền, phổ biến những chính sách pháp luật, nghị quyết của Quốc hội cũng như lắng nghe, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri. Là tỉnh có 19 dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc thiểu số nên không ít cuộc TXCT phải bố trí người phiên dịch; nội dung TXCT cũng được các đại biểu lựa chọn, cân nhắc cho phù hợp với từng vùng, từng xã, bản và đối tượng cử tri là người dân tộc thiểu số.

Cùng với TXCT trước và sau các kỳ họp của Quốc hội, ÐBQH tỉnh đã tổ chức TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, nơi làm việc, nơi cư trú... Qua đó, đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 472 kiến nghị của cử tri; đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết.

Tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết liên tịch 525 về việc TXCT của ÐBQH do Ðoàn ÐBQH tỉnh tổ chức, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động TXCT của ÐBQH trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, việc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, nơi cư trú chưa nhiều, số lượng cử tri tại nhiều cuộc TXCT còn ít, chủ yếu là lãnh đạo, cán bộ, công chức xã và bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản. Ðại diện lãnh đạo HÐND, UBND tỉnh tham gia các cuộc TXCT của ÐBQH chủ yếu tại các điểm ở trung tâm tỉnh. Vẫn còn có hội nghị TXCT, để tiết kiệm thời gian, người làm công tác tổ chức hội nghị định hướng cử tri chỉ phát biểu ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương. Việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri có lúc chưa chặt chẽ...

Cùng với các nguyên nhân khách quan về địa lý, điều kiện tự nhiên, hạn chế về nguồn lực và các nguyên nhân chủ quan thuộc về tổ chức và cá nhân, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, bất cập trong quy định về hoạt động TXCT của ÐBQH, như: Việc quy định lãnh đạo HÐND, UBND tham dự các hội nghị TXCT của ÐBQH hết sức cần thiết, để có thể trả lời kiến nghị của cử tri được kịp thời. Tuy nhiên, với số lượng lãnh đạo UBND, HÐND tỉnh như hiện nay thì việc tham dự tất cả các hội nghị TXCT của ÐBQH là khó khăn, nhất là khi ÐBQH mong muốn TXCT tại nhiều điểm, trong cùng khoảng thời gian trước và sau kỳ họp của Quốc hội.

Là ÐBQH tỉnh Ðiện Biên 3 khóa XII, XIII, XIV, TXCT tại hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng: Cử tri luôn mong muốn gặp gỡ, trình bày tâm tư nguyện vọng, kiến nghị giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống của mình, nên việc định hướng cử tri chỉ phát biểu ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương là hạn chế quyền của cử tri. Khi cử tri kiến nghị nhiều lần có nghĩa là kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết. Còn đối với việc đại diện lãnh đạo HÐND, UBND tỉnh tham gia các cuộc TXCT của ÐBQH, bà Trần Thị Dung đề nghị cần thực hiện đúng quy định để bảo đảm kiến nghị của cử tri được ghi nhận, trả lời, giải quyết kịp thời. Ðể khắc phục khó khăn về số lượng lãnh đạo, có thể cử đại diện Thường trực HÐND, các thành viên của UBND tỉnh tham gia các cuộc TXCT của ÐBQH.

Từ việc đánh giá đúng tình hình, chỉ rõ hạn chế và nguyên nhân, đề ra các giải pháp cụ thể, tin rằng hoạt động TXCT của ÐBQH tỉnh thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Bởi như Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Ðiện Biên Lò Văn Muôn khẳng định: Hoạt động TXCT không những tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa ÐBQH với cử tri mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Lê Khánh Hòa (Văn phòng Ðoàn ÐBQH tỉnh)
Bình luận
Back To Top